Khủng hoảng Evergrande: Thế hệ Y ở Trung Quốc sợ hãi, không dám mua nhà

15/10/2021 11:18 vtcnew.vn

Anh Hu Haoqi, một nhà thiết kế nội thất 32 tuổi tại thành phố Quảng Châu, từng nuôi giấc mộng nỗ lực chuyển ra khỏi căn hộ thuê chung và mua một căn hộ của riêng mình.

Haoqi đã tự mình phác thảo thiết kế cho ngôi nhà mới, anh hình dung mình sẽ trồng thật nhiều cây và sống cùng chú mèo cưng.

Nhưng những tin tức xoay quanh vụ công ty bất động sản Evergrande vỡ nợ chẳng khác nào búa tạ giáng xuống giấc mơ của Haoqi.

Hàng ngày, anh đọc được vô số câu chuyện về những người trẻ tuổi dốc hết vốn liếng đặt cọc mua căn hộ Evergrande, để rồi các dự án đó trở thành "thành phố ma" bị bỏ hoang với những tòa nhà xây dở.

"Tôi đã thấy những người đổ hết tiền tiết kiệm được trong cả thập kỷ rưỡi vào việc đặt cọc mua nhà, giờ họ còn không biết liệu tòa nhà có bao giờ được xây dựng hoàn chỉnh hay không. Tôi không muốn điều đó xảy ra với mình, vì vậy hiện tại tôi sẽ tiếp tục thuê nhà và tiết kiệm".

Khủng hoảng Evergrande: Thế hệ Y ở Trung Quốc sợ hãi, không dám mua nhà - 1

Giá một căn hộ với điều kiện cơ bản ở thành phố lớn như Bắc Kinh vô cùng đắt đỏ. (Ảnh: Getty Images)

Hu Haoqi là trường hợp tiêu biểu trong số 400 triệu người thuộc thế hệ Y (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến đầu những năm 2000) ở Trung Quốc.

Rất nhiều người trong số họ có kế hoạch mua nhà qua hình thức trả góp do giá một căn hộ với điều kiện cơ bản ở thành phố lớn như Bắc Kinh vô cùng đắt đỏ, có thể lên tới 1 triệu USD. Con số này vượt xa khả năng chi trả của nhiều người, vì vậy họ phải vay tiền từ cha mẹ hoặc các tổ chức tài chính.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi, cuộc khủng hoảng nợ ngày càng leo thang của "gã khổng lồ" bất động sản Evergrande khiến thế hệ Y chùn bước trước những mục tiêu lớn, bao gồm cả đầu tư và mua bất động sản.

Viễn cảnh “thị trấn ma” ám ảnh người mua nhà

Theo báo cáo tài chính KPMG năm 2017, mức lương trung bình của thế hệ trẻ ở Trung Quốc là khoảng 1.817 USD / tháng, tương đương 21.804 USD / năm.

Tháng 7 năm nay, thống kê của tờ Insider cho thấy một bộ phận lớn những người thuộc thế hệ Y ở Trung Quốc đã rơi vào cảnh nợ nần vì mua nhà. Dễ thấy, việc mua một căn hộ đối với những người ở thế hệ này là một quyết định trọng đại, có thể thay đổi cuộc đời.

Anh Yang Kai, 26 tuổi, sống tại Bắc Kinh vốn có dự định kết hôn và mua nhà vào cuối năm nay. Tuy nhiên, sự bất ổn do cuộc khủng hoảng Evergrande gây ra khiến cặp đôi phải cân nhắc lại về việc mua nhà, nói cách khác, họ phải hoãn cả kế hoạch sinh con vì không có nơi ở phù hợp.

Sau khi kết hôn, chúng tôi sẽ phải sống với gia đình tôi ở Bắc Kinh. Nhà tôi là một căn hộ nhỏ và không đủ không gian để nuôi con cái”, anh Yang chia sẻ.

Dù không hề muốn trì hoãn việc sinh con, anh Yang và bạn gái vẫn đưa ra quyết định này bởi họ không muốn đặt cược tiền tiết kiệm cả đời vào một căn hộ có thể sẽ không bao giờ xây xong và phải đối mặt những khoản vay mua nhà.

Khủng hoảng Evergrande: Thế hệ Y ở Trung Quốc sợ hãi, không dám mua nhà - 2

Viễn cảnh những ngôi nhà xây dở cùng các dự án chưa hoàn thành biến thành “thị trấn ma” đã khiến người mua nhà sợ hãi. (Ảnh: Getty Images)

Evergrande hiện là công ty mắc nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Việc này ảnh hưởng nặng nề đến khoảng 800 dự án của công ty này trên khắp Trung Quốc, khiến nhiều dự án buộc phải tạm dừng xây dựng. Không chỉ vậy, nếu Evergrande hoàn toàn sụp đổ, toàn bộ thị trường bất động sản Trung Quốc cũng sẽ bị vạ lây.

Các chuyên gia cho rằng viễn cảnh những ngôi nhà xây dở cùng các dự án chưa hoàn thành biến thành “thị trấn ma” đã khiến người mua nhà sợ hãi và thay đổi quyết định.  

Ông Maggie Hu, chuyên gia tài chính tại đại học Trung Quốc Hong Kong, cho biết cuộc khủng hoảng Evergrande không chỉ làm giảm niềm tin của người Trung Quốc với công ty này mà còn với các nhà phát triển bất động sản khác.

"Số lượng giao dịch bất động sản sẽ còn giảm nữa vì càng ngày càng nhiều người tạm hoãn kế hoạch mua nhà”, ông Hu nói.

Không ai dám đầu tư vì sợ mạo hiểm

Cuộc khủng hoảng Evergrande không chỉ ảnh hưởng đến thị trường nhà đất. Hồi tháng 4, tờ South China Morning Post đưa tin chứng khoán Trung Quốc đang lao dốc, thị trường chứng khoán hoạt động kém hiệu quả trong hai quý đầu năm.

Anh Mu Yi Qian, một kiến trúc sư 28 tuổi ở Sơn Đông, cho biết rằng gần đây anh đang đánh giá lại danh mục tài chính của mình do thị trường chứng khoán Trung Quốc có nhiều biến động. Anh nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng Evergrande đã cho thấy rủi ro khi đổ tiền vào các sản phẩm quản lý gia sản như Evergrande Wealth.

Sản phẩm quản lý gia sản là những khoản đầu tư rủi ro, không có bảo hiểm, được bán bởi các ngân hàng và tổ chức tài chính Trung Quốc với lãi suất cao ngất trời.

Tuy nhiên, những khoản đầu tư này đã bị chỉ trích vì có nhiều điều khoản không rõ ràng. Không chỉ vậy, các nhà đầu tư có thể không được biết rõ về các dự án mà tiền của họ sẽ đổ vào. Thậm chí, họ không được biết cụ thể lợi nhuận sẽ được đảm bảo bằng cách nào, hoặc các khoản đầu tư của họ đang hoạt động như thế nào.

Trong vụ bê bối Evergrande, công ty này vẫn đang cố gắng trả nợ cho những người đã đầu tư vào các sản phẩm quản lý gia sản của họ. Ước tính, có tới hơn 80.000 người - bao gồm cả nhân viên Evergrande và bạn bè và gia đình của họ  - nắm giữ khoảng 6 tỷ USD các sản phẩm quản lý gia sản của công ty.

"Tôi không bị choáng khi hay tin Evergrande tạm dừng giao dịch cổ phiếu, nhưng việc thực hiện bất kỳ khoản đầu tư lớn nào vào thời điểm này cũng là động thái mạo hiểm", anh Mu nói. "Năm nay không phải thời điểm để dốc toàn lực".

Khủng hoảng Evergrande: Thế hệ Y ở Trung Quốc sợ hãi, không dám mua nhà - 3

Vào tháng 4, chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc. (Ảnh: Reuters)

“Xu hướng do dự” sẽ kéo dài bao lâu?

Theo các chuyên gia tài chính, việc xu hướng do dự đầu tư của thế hệ trẻ có kéo dài hay không phụ thuộc phần lớn vào cách xử lý cuộc khủng hoảng Evergrande.

Ông Robert Carnell, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ING ở Singapore, cho biết: “Diễn biến của tình trạng do dự đầu tư sẽ phụ thuộc vào cách xử lý vụ vỡ nợ, và việc các nhà đầu tư nhỏ được chính phủ bảo vệ ở mức độ nào”.

Chính phủ Trung Quốc sẽ không muốn tạo ấn tượng rằng những khoản đầu tư này là không có rủi ro. Vì vậy, sẽ có một số tổn thất dẫn đến phản ứng tương đương là các chủ hộ do dự nhiều hơn trước khi đầu tư”.

Đối với các sản phẩm quản lý gia sản, ông Carnell cho rằng các công ty sẽ rất khó bán các sản phẩm này như cách Evergrande từng làm trước đây.

Các chủ hộ có thể sẽ lưỡng lự hơn khi đầu tư vào các sản phẩm như vậy”.

Ông Carnell nói thêm, diễn biến tiếp theo trên thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào cách Evergrande được tái cấu trúc, và việc ai là người cuối cùng nắm giữ các khoản nợ của công ty.

Nhưng trước mắt, những người thuộc thế hệ Y ở Trung Quốc như nhà thiết kế nội thất Haoqi đều đang thắt chặt ví tiền và hy vọng cơn bão sẽ qua đi.

Mọi người đều đau khổ khi các khoản đầu tư gặp khó khăn và thị trường nhà đất có vẻ rủi ro như hiện nay. Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể mua một căn nhà của riêng mình và thoải mái đầu tư vào cổ phiếu. Nhưng hiện tại, tôi sẽ chỉ tiếp tục theo dõi và chờ đợi những diễn biến tiếp theo”, anh Haoqi nói.