Khối nợ nghìn tỉ của Tiến Phước Group

24/12/2020 15:35 toquoc.vn

Tiến Phước và 990

Công ty Cổ phần Tiến Phước và Chín Chín Mươi (Tiến Phước và 990) thành lập ngày 20/7/2007, là kết quả của mối liên doanh giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiến Phước (nay là Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước – viết tắt: Tiến Phước ) và Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV 990 (Công ty 990).

Trong đó, Tiến Phước góp 255,5 tỉ đồng, nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 73% vốn điều lệ; Công ty 990 góp 94,5 tỉ đồng, nắm 27% vốn điều lệ.

Công ty Tiến Phước và 990 là chủ đầu tư dự án cao ốc văn phòng và khách sạn cao cấp tại số 3C Tôn Đức Thắng, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có tên thương mại là Le Meridien Saigon. Dự án cao 23 tầng được khởi công vào cuối năm 2010, với tổng mức đầu tư 120 triệu USD.

Sau khi Le Meridien Saigon khai trương, cổ đông ngành an ninh bất ngờ triệt thoái vốn khỏi Tiến Phước và 990. Cập nhật tới tháng 3/2016, số cổ phần của Công ty 990 đã đổi chủ, do bà Nguyễn Thị Mỹ Phương đứng tên. Bà Phương là người con gái thứ 3 của ông Nguyễn Thành Lập – Chủ tịch Tiến Phước Group.

Chưa rõ Công ty 990 đã chuyển nhượng phần vốn góp tại Tiến Phước và 990 với giá bao nhiêu. Chỉ biết rằng, trong năm 2016, công ty này ghi nhận 94,5 tỉ đồng từ chuyển nhượng phần góp vốn trong liên doanh, tương đương với giá trị theo mệnh giá của phần vốn góp Công ty 990 tại doanh nghiệp dự án Le Meridien Saigon.

Sau khi doanh nghiệp ngành công an thoái lui, Tiến Phước và 990 – lúc này do nhóm Tiến Phước Group nắm cổ phần chi phối – trải qua 4 năm thua lỗ liên tiếp. Các khoản lỗ mỗi năm lên tới hàng trăm tỉ đồng. Tính tới ngày 31/12/2019, số lỗ luỹ kế của Tiến Phước và 990 đã lên tới 1.240 tỉ đồng.

Nếu không có loạt động thái tăng mạnh vốn điều lệ của giới chủ Tiến Phước Group, từ 350 tỉ đồng lên 1.438 tỉ đồng, Tiến Phước và 990 đã âm sâu vốn chủ sở hữu.

Khối nợ nghìn tỉ của Tiến Phước Group - Ảnh 1.

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, Tiến Phước và 990 còn sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao


Công ty này cũng là 1 trong 8 con nợ nguy cơ cao tại BIDV với dư nợ lên tới 1.823,742 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là 273,315 tỉ đồng.Tiến Phước và 990 "ngập" trong nợ. Tại ngày 31/12/2019, dư nợ dài hạn của Tiến Phước và 990 lên tới 2.097 tỉ đồng, tương đương với 75,6% tổng tài sản.

Khối nợ nghìn tỉ của Tiến Phước Group

Năm 2017, chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Nguyễn Thành Lập thừa nhận sự thận trọng khiến Tiến Phước Group tỏ ra kém tiếng hơn so với các doanh nghiệp cùng thời và tập đoàn này "mới làm bạn với ngân hàng" trong vài năm gần đây.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2018 – 2019, nhiều thành viên của Tiến Phước Group đã hút hàng nghìn tỉ đồng qua kênh trái phiếu.

Cụ thể, trong các ngày 7/3/2018 và 25/6/2019, Tiến Phước đã phát hành được 650 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Sàn giao dịch bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Land) cũng hút về 1.056 tỉ đồng qua 4 đợt phát hành trái phiếu trong năm 2019. Tương tự, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và kỹ thuật Mê Kông (Mê Kông) cũng hút về 900 tỉ đồng trong đợt phát hành vào tháng 1/2019.

Điều đáng nói, sau khi huy động lượng lớn trái phiếu, trong nửa đầu năm 2020, nhiều cái tên kể trên báo lỗ.

Cụ thể, Tiến Phước báo lỗ sau thuế lên tới 55,4 tỉ đồng; công ty Mê Kông báo lỗ 65,5 tỉ đồng. Còn Tiến Phước Land báo lãi vỏn vẹn 520 triệu đồng trên tổng khối tài sản 1.144 tỉ đồng. Tính đến ngày 30/6/2020, dư nợ trái phiếu của Tiến Phước Land còn cao gấp 81 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.

Có thể hiểu trái chủ và những người rót tiền vào trái phiếu Tiến Phước, Tiến Phước Land, Mê Kông phải rất có niềm tin vào triển vọng hoạt động của nhóm doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Thành Lập khi chấp nhận giải ngân những món tiền trăm tỉ, nghìn tỉ trong bối cảnh thực trạng kinh doanh chưa thực tốt hiện thời.

Khối nợ nghìn tỉ của Tiến Phước Group - Ảnh 2.
 

Bên cạnh bất động sản, y tế cũng là một trong những lĩnh vực đầu tư đáng chú ý của giới chủ Tiến Phước Group, được phụ trách bởi bà Nguyễn Cửu Thị Kim Chi (SN 1951, phu nhân của ông Nguyễn Thành Lập) cùng với người con gái Nguyễn Thị Mỹ Phương.

Trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ (Mỹ Mỹ) là chủ đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Mỹ (AIH). Dự án có vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD, đi vào hoạt động từ tháng 10/2018.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 2 năm gần nhất, công ty mẹ Mỹ Mỹ liên tục báo lỗ. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 177,1 tỉ đồng, song báo lỗ tới 117,7 tỉ đồng.

Khối nợ nghìn tỉ của Tiến Phước Group - Ảnh 3.
 

Tương tự, chi nhánh Mỹ Mỹ - Bệnh viện AIH cũng báo lỗ trong các năm 2018 và 2019.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tính đến ngày 31/12/2019, Mỹ Mỹ có quy mô tổng tài sản ở mức 3.246,7 tỉ đồng, cao gấp 10,2 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.

Tiến Phước, Keppel Land và Lotte Land

Tiến Phước Group là một trong những công ty bất động sản ra đời sớm nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng thời với những Vạn Thịnh Phát và Nam Long.

Song, giới đầu tư địa ốc lâu nay vẫn nhắc tới Tiến Phước Group với vai trò là "đối tác của Keppel Land" tại các dự án The Estella, Palm City hay Empire City.

Dù vậy, tỉ lệ sở hữu cũng như đóng góp của Tiến Phước Group tại các dự án này vẫn còn là điều bí ẩn đối với phần đông thị trường.

Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh Estella (chủ đầu tư khu chung cư – thương mại Estella Heights), cập nhật tới ngày 23/11/2017, Tiến Phước chỉ góp 11,7 tỉ đồng, sở hữu vỏn vẹn 2% vốn điều lệ; phía Keppel Land góp tới 573,9 tỉ đồng, sở hữu 98% vốn điều lệ. Hiện, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Estella do ông Tan Hong Tat nắm giữ. Vị doanh nhân sinh năm 1976 cũng là người đại diện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Rạch Chiếc (Nam Rạch Chiếc).

Liên danh Nam Rạch Chiếc – Tiến Phước là chủ đầu tư dự án xây dựng đường song hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây theo hình thức BT. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 808 tỉ đồng, dài 3,3 km, 4 làn xe.

Ngày 27/4/2017, chỉ 2 ngày trước lễ khởi công, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Nguyên Phương (Nguyên Phương) được thành lập. Trong đó, công ty Nam Rạch Chiếc góp 96,9 tỉ đồng, sở hữu 80% vốn điều lệ; còn Tiến Phước góp 24,2 tỉ đồng, sở hữu 20% vốn điều lệ.

Đến tháng 9/2020, truyền thông trong nước đưa tin cho hay, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi khu đất 14,8 ha tại phường An Phú, Quận 2 đã giao cho công ty Nguyên Phương để thanh toán cho hợp đồng BT dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2.

Nguyên nhân là do khu đất trên đã được giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng khu tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nay giao đất, cho thuê đất để làm dự án nhà ở thương mại là không đúng qui định.

Tiến Phước còn nắm giữ hơn 2,79 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Công nghệ cao.

Công ty này là chủ đầu tư dự án Khu Nhà ở và Dịch vụ chuyên gia tại các lô S, H thuộc Khu Công nghệ cao, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, diện tích 71,06 ha.

Tuy nhiên, vào ngày 28/11/2020, Tiến Phước đã thế chấp số cổ phần này tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Lotte Land.

Tiến Phước Group còn là chủ đầu tư một số dự án khác đáng chú ý như: Khu dân cư Long Trường (Quận 9), Khu dân cư Senturia Vườn Lài (9,8ha), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn (19,8ha). Tập đoàn của ông Nguyễn Thành Lập cũng đang là ứng cử viên sáng giá cho dự án Khu đô thị mới Cỏ May quy mô 149ha, vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, tại Tp. Vũng Tàu.

Ngoài ra, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiến Phước đang xin chủ trương thực hiện dự án Điện mặt trời Châu Pha tại huyện Tân Thành có diện tích đất 51ha, vốn đầu tư gần 1.178 tỉ đồng./.