Hút vốn ngoại vào công nghệ cao

13/01/2022 13:21 daidoanket.vn

Dịch Covid-19 bùng phát gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn nhưng lại góp phần thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Dự báo, năm 2022 sẽ là năm các địa phương đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, kéo dòng vốn ngoại “chảy” vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Dòng vốn ngoại tiếp tục “đổ” vào công nghệ cao. Ảnh: Quang Vinh.
Dòng vốn ngoại tiếp tục “đổ” vào công nghệ cao. Ảnh: Quang Vinh.

Gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm

Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh ưu tiên phát triển các khu công nghiệp chất lượng cao để hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất, cũng như tạo sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh.

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, tỉnh đang thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao vào khu công nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn huyện Bàu Bàng. Quỹ đất hiện tại của các khu công nghiệp trong tỉnh đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Năm 2021 vừa qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh Bình Dương vẫn lên tới 1,7 tỷ USD, đạt 141,65% kế hoạch.

Hiện Bình Dương chú trọng hợp tác chiến lược với một số đối tác quốc tế để tăng sức hút đầu tư. Mới đây nhất, ngày 6/1/2022, tỉnh Bình Dương đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với quận Gangnam – Seoul (Hàn Quốc) nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp (DN) từ Hàn Quốc.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai cũng được xem là tỉnh có nhiều tiềm năng về thu hút vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực công nghệ cao trong năm nay; ước tính nguồn vốn FDI đổ vào các lĩnh vực vượt 1 tỷ USD so với năm trước.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2022 sẽ ưu tiên thu hút dự án công nghiệp phục vụ phát triển chiều sâu các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Cơ khí chế tạo, điện tử, các dự án công nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao…góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển nhiều DN trong nước.

Là địa phương nằm trong top 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, năm qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút gần 980 triệu USD. Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đánh giá, đây là con số khá ấn tượng của thu hút đầu tư vào tỉnh năm 2021. “Đó là kết quả của sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp. Nhưng không vì vậy mà Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động”, ông Triết nói đồng thời cho biết, năm 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vốn FDI theo hướng tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ gắn với mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị.

Ông Lee Minseog, Giám đốc nhân sự của Công ty TNHH Pavonine Vina (Hàn Quốc) chuyên về sản xuất linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)cho biết, trong những ngày đầu năm, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 8/2022.

Ngoài ra, theo kế hoạch sản xuất năm 2022, công ty sẽ gia công khoảng 2 triệu sản phẩm là linh kiện điện tử cho Tập đoàn Samsung.

“Dựa vào những điều kiện này, công ty đang có kế hoạch đầu tư thêm máy móc tự động hóa trong hệ thống dây chuyền sản xuất để tăng công suất, chất lượng”, ông Lee Minseog nói.

Lĩnh vực công nghệ cao ngày càng hấp dẫn dòng vốn ngoại.
Lĩnh vực công nghệ cao ngày càng hấp dẫn dòng vốn ngoại.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư

Ước tính, từ nay đến năm 2025, Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế số có thể lên đến 52 tỷ USD. Vì vậy, các phân ngành của nền kinh tế kỹ thuật số sẽ được các nhà đầu tư ngoại tiếp tục nhắm đến và Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận dòng vốn lớn.

Mặt khác, trong khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn là một phần động lực chính của FDI thì lộ trình các DN nước ngoài cần thực hiện để tiếp cận người tiêu dùng cũng có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực khi tiến sâu hơn vào công nghệ cao.

Bất chấp tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao vẫn luôn có cái nhìn lạc quan về môi trường đầu tư ở Việt Nam với vị thế là một trung tâm sản xuất trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 có 70.000 công ty công nghệ số với 1,2 triệu nhân lực, cũng là yếu tố hấp dẫn cho dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào lĩnh vực này.

Sớm nhận ra những thời cơ lớn, nhiều DN ngoại đã tranh thủ chớp lấy cơ hội trước đà số hoá ở Việt Nam, cũng như tái khẳng định vị thế trung tâm sản xuất của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điển hình như Công ty Công nghệ phần mềm toàn cầu Bosch (BGSV) dự kiến trong tháng 2 tới sẽ thành lập thêm một trung tâm phát triển công nghệ cao tại Hà Nội.

Đây sẽ là trung tâm thứ 2 của DN này ở Việt Nam với cùng mục tiêu phát triển thành trung tâm công nghệ hàng đầu với tổng cộng 6.000 kỹ sư.

Đề cập về chiến lược mở rộng hoạt động tại Việt Nam, ông Dattatreya Gaur - Giám đốc điều hành BGSV khẳng định, đây là cơ hội tuyệt vời để tận dụng sự hiện diện toàn cầu nhằm phục vụ nhu cầu số hóa ngày càng thiết yếu trong lĩnh vực công nghệ.

Trao đổi về những kinh nghiệm phát triển công nghệ cao của TPHCM, Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM (HAME), nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố chia sẻ, nhiều năm nay, TPHCM theo chiến lược phát triển công nghiệp và hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào 4 lĩnh vực công nghiệp mà thành phố có thế mạnh phát triển.

Vì vậy, cần thiết hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Khu này sẽ giữ vai trò trọng yếu trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi kinh tế thành phố từ chiều rộng sang chiều sâu, hỗ trợ thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp hướng đến ứng dụng công nghệ cao và sáng tạo công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao “made by Vietnam”.

Đây không chỉ là khu phục vụ cho DN công nghệ cao, FDI hay tiếp sức cho các khu công nghệ cao mà còn là “xương sống” cho nền sản xuất hiện đại của Thành phố.

Cụ thể hơn về việc thu hút dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho rằng, các địa phương cần tích cực cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời đẩy mạnh tiến bộ xây dựng công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng khu công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Giáo sư Lê Huy Hàm (Trường Đại học Công nghệ): Cơ chế tài chính phải đủ hấp dẫn

Hệ thống khoa học công nghệ trong nước quá lớn, cồng kềnh nên ngân sách không thể đảm bảo đầu tư tới hạn để phát huy hiệu quả. Do vậy, để chuyển dịch từ ứng dụng công nghệ sang sáng tạo ra công nghệ, cần có cơ chế tài chính phù hợp, hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực.

Chỉ tập trung đầu tư vào những đề tài công nghệ có tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả. Để thành công, một mình Bộ Khoa học và Công nghệ không làm được mà cần có sự đồng lòng của cả hệ thống.

Giáo sư Lưu Văn Bôi (Đại học Quốc gia Hà Nội): Cần chọn lĩnh vực ưu tiên

Tiềm lực khoa học công nghệ còn yếu, không thể đầu tư tất cả các lĩnh vực. Do đó cần phải chọn ra một số lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, vấn đề biến đổi khí hậu cần được xem là một trong những vấn đề ưu tiên, chẳng hạn như sự tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long trước thực trạng hạn hán, nước biển dâng; hay mưa lũ tàn phá miền Trung; sạt lở ở miền núi... thiết thân với người dân. Tiếp đến là dịch bệnh, y tế công cộng,... cần được quan tâm giải quyết bằng khoa học công nghệ cao.