Hơn 90% hàng hoá sản xuất của doanh nghiệp dựa vào xuất khẩu

25/11/2021 14:45 congluan.vn

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, hiện đã có 1.400 trong tổng số 1.880 doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động trở lại sau giãn cách.

hon 90 hang hoa san xuat cua doanh nghiep dua vao xuat khau hinh 1

"Những doanh nghiệp dưới 500 lao động, hoạt động lại được khoảng 70-80% lao động.

Còn đối với những doanh nghiệp từ 1.000 - 2.000 lao động, số người làm việc trở lại chỉ đạt khoảng hơn 50%", ông Việt Anh chỉ ra.

Nguyên nhân được cho rằng do lực lượng lao động đã về quê hiện quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh không kịp.

Bên cạnh đó, dù tất cả các doanh nghiệp đang tập trung tuyển dụng nhưng những công nhân được đào tạo bây giờ phải sang năm sau mới có thể làm việc được.

“Vì vậy, việc phục hồi sản xuất hiện nay vẫn phải trông chờ vào lực lượng lao động cũ, lực lượng lao động kỹ thuật có chuyên môn”, Tổng Giám đốc Nam Thái Sơn nêu.

Đánh giá nhu cầu thị trường dù nhiều, nhưng ông Việt Nam cho biết không phải do sức mua của người dân tăng, bởi "chưa ai có tư tưởng sắm Tết".

Trong khi đó, sản xuất phải "chạy" vì lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đã cạn kiệt do ngưng hoạt động thời gian qua và chuẩn bị hàng tồn kho cho quý 1/2022.

Cùng với đó, Tổng Giám đốc Nam Thái Sơn cho biết, hiện sản phẩm sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Chuyên sản xuất vải jean, có đến 95% mặt hàng trong năm nay của Công ty liên doanh dệt nhuộm Việt Hồng là xuất khẩu. Trong khi đó, các năm trước khoảng 60% hàng hoá của công ty phục vụ thị trường nội địa.

“Mọi năm nội địa trực tiếp đặt hàng qua các trung tâm phân phối như chợ như Tân Bình, Soái Kình Lâm… Nhưng năm nay do dịch bệnh nên rất hạn chế”, ông Hàn Vi Chi, Tổng Giám đốc Công ty Việt Hồng cho biết.

Theo ông Chi, sự chuyển đổi tỉ trọng giữa thị trường nội địa và xuất khẩu của công ty ông có sự chuyển dịch vào khoảng tháng 4 năm nay, khi làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 diễn ra.

“Lượng khách hàng trong nước ít dần, chúng tôi bắt đầu đi chào hàng nhiều hơn ở các nước khác. Hiện, thị trường quốc tế đã có sự thích ứng với dịch bệnh. Chúng tôi chỉ cần gửi email giới thiệu sản phẩm qua mạng, vừa tiết kiệm được vé máy bay, lại tiết kiệm được mẫu mã…

Về chi phí vận chuyển, logistic có thể cao hơn thông thường nhưng bù lại chất lượng cao, giao hàng chuẩn”, Tổng Giám đốc Công ty Việt Hồng nêu.

Bởi, do phải làm việc online không thể sản xuất nên hàng mẫu của khách hàng từ đó cũng hạn chế.

Vì thế, ông Chi cho biết năm nay phải doanh nghiệp phải rót nhiều tiền, tập trung cho việc nghiên cứu rất lớn để sáng tạo ra mẫu mã mới.

“Vô hình chung sản phẩm của Việt Nam được nâng lên một cấp, không chỉ đơn thuần là sản xuất theo mẫu có sẵn mà chúng ta đã làm ra được nhiều mẫu mã độc quyền hơn. Giá bán cũng cao hơn trong nước rất nhiều”, ông Chi chỉ ra.

Đánh giá Covid-19 là “nguy”, Tổng Giám đốc Công ty Việt Hồng đồng thời xem đây là “cơ hội” để các doanh nghiệp chuyển đổi, phát triển và nâng tầm.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành, năm nay Việt Nam có cơ hội xuất khẩu rất cao. Bởi, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; cũng như cuộc nội chính của Myanmar… các đơn hàng từ đó chuyển sang nước ta.

Về phía HUBA, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội cho biết, trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh từng bước khôi phục kinh tế sau giãn cách, hiệp hội đang cố gắng đồng hành với doanh nghiệp. Cùng với đó, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

“Căn cứ theo nhu cầu của doanh nghiệp và trên tinh thần lạc quan, an toàn, hiệu quả, sống chung với Covid-19, hiệp hội tổ chức các hoạt động kích cầu... giúp các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cùng với các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh, hiệp hội đồng thời mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa người lao động trở lại, giúp ổn định đời sống kinh doanh dịp cuối năm”, ông Hưng nhấn mạnh.                                                                                                            

Kỳ Hoa