Con người luôn có mong muốn được đẹp trong mắt người khác. Mong muốn đó đã có cơ hội thể hiện mới với sự xuất hiện của các công nghệ hiện đại.
Điện thoại thông minh với những ứng dụng liên tục cập nhật nhiều cách để cải thiện hình ảnh người dùng một cách tinh tế. Cũng từ đó, một “hội chứng” check-in xuất hiện. Thậm chí, xu hướng đó khiến nhiều người dường như mắc chứng “nghiện” chụp ảnh check-in.
1.Đèo Prenn, cửa ngõ phía nam của Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) những ngày gần đây thường có những nhóm thanh niên đến chụp ảnh “check-in”. Để lấy được bối cảnh rừng thông phía bên kia đường, nhiều người sẵn sàng đứng ngồi chênh vênh bên ta-luy âm, trong khi bên dưới là dòng xe cộ đang chạy vun vút. Chỉ cần lỡ chân ngã xuống thì khó mà bảo toàn tính mạng.
Tuy nhiên, những cảnh bất chấp nguy hiểm để có ảnh đẹp “post lên mạng” khoe với thiên hạ có ở khắp nơi, không chỉ riêng Đà Lạt. Tại Hà Nội lúc này là thời điểm hoa bằng lăng tím hay phượng vĩ nhuộm tím, nhuộm đỏ cả một dãy phố. Và cũng là lúc các chị em đủ mọi độ tuổi xúng xính váy áo tạo dáng chụp ảnh. Ở một góc hồ Hoàn Kiếm có cây bằng lăng tím hoa nở bung, sà xuống bên hồ rất điệu đà. Địa điểm chụp ảnh “check-in” lý tưởng đó hầu như chẳng mấy khi vắng người. Họ kéo đến chụp cho nhau, một người, hai người, cả nhóm, chụp với áo dài, váy ngắn, người cầm thêm cái giỏ, đủ kiểu tạo dáng. Có những tốp “chiếm sóng” tới 30-40 phút, khiến ảnh hưởng tới nhiều du khách khác…
Kể từ khi điện thoại thông minh ra đời, sự phổ biến của các loại ảnh “check-in” kết hợp với mạng xã hội có tác động đáng kể đến đời sống theo nhiều cách khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Các nền tảng truyền thông xã hội đã giúp mọi người kết nối với bạn bè và gia đình dễ dàng hơn, ngay cả khi họ ở xa về mặt địa lý. Chia sẻ ảnh có thể giúp tạo cảm giác thân mật và duy trì các mối quan hệ. Nó cho phép các cá nhân chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc và các cột mốc quan trọng của họ với người khác.
Mạng xã hội tạo cơ hội cho các cá nhân thể hiện bản thân, thể hiện danh tính của mình với thế giới. Người ta có thể biểu đạt sở thích và tính cách của mình thông qua những hình ảnh chia sẻ, giúp xây dựng ý thức về bản thân và kết nối với những người cùng “gu”.
Một nghiên cứu gần đây nói yêu thích chụp ảnh bản thân chưa hẳn là việc phù phiếm. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Social Psychological and Personality Science ngày 27/ 4/ 2023 cho rằng những bức ảnh cá nhân hiệu quả hơn trong việc truyền tải ý nghĩa của một sự kiện trong cuộc sống con người. Nhóm nghiên cứu của đại học Ohio, Mỹ, nhận định: “Chúng tôi nhận thấy rằng mọi người có trực giác tự nhiên về việc nên chọn góc nhìn nào để ghi lại những gì họ muốn trong bức ảnh”.
Những phát hiện này thách thức giả định rằng mọi người đăng ảnh check-in trên các nền tảng như Instagram chỉ để quảng cáo bản thân. “Những bức ảnh có bạn trong đó có thể ghi lại ý nghĩa lớn hơn của một khoảnh khắc. Nó không nhất thiết phải là sự phù phiếm”, đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Lisa Libby nói, theo tường thuật của earth.com.
Một số nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng ghi lại trải nghiệm về một sự kiện hoặc ý nghĩa của nó là hai động lực chính để người ta chụp ảnh cá nhân. Ví dụ: một người ở bãi biển cùng một người bạn có thể chụp ảnh đại dương để ghi lại trải nghiệm về một ngày đẹp trời và thư giãn. Ngoài ra, họ có thể chụp ảnh chính mình để ghi lại ý nghĩa sâu sắc hơn của việc dành thời gian cho nhau.
Một nhóm phụ nữ chụp chung với dãy hoa phong linh nở vàng rực ngoài ý nghĩa lưu giữ thời khắc đẹp của mùa hoa nở, còn lấy đây làm cơ hội để ghi lại một thời thanh xuân tươi trẻ trong đời họ.
Tuy nhiên, tác động của ảnh selfie, ảnh “check-in” và mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần là một chủ đề gây tranh cãi. Một mặt, chia sẻ ảnh cá nhân có thể nâng cao lòng tự trọng và thúc đẩy hình ảnh bản thân tích cực.
Việc tập trung quá mức vào ngoại hình và thường xuyên so sánh với người khác có thể dẫn đến cảm giác thiếu thốn, lo lắng và trầm cảm. “Nhìn mấy đứa bạn lúc thì check-in Mù Cang Chải, khi lại chụp ảnh ở Phú Quốc, có khi sang tận Bali, Indonesia check-in, em lắm thấy mình thua kém”, Nguyễn Thùy Linh, nhân viên công ty tư vấn xây dựng Coninco (Hà Nội) cho biết.
Các nhà nghiên cứu tâm lý cho rằng những người như Linh có “nỗi sợ bị bỏ lỡ” (FOMO hay Fear of missing out). Nỗi sợ này có thể trở nên trầm trọng hơn khi nhìn thấy cuộc sống dường như hoàn hảo của người khác trong những bức ảnh “check-in” trên mạng xã hội, làm tăng cảm giác cô đơn và bất mãn.
FOMO là hội chứng tâm lý khiến con người luôn có nỗi lo sợ rằng mình đang bỏ lỡ những điều thú vị, hấp dẫn đang diễn ra xung quanh. Người có FOMO thường xuyên so sánh bản thân với người khác trên mạng xã hội và cảm thấy tủi thân, ghen tị khi thấy họ đang vui vẻ, tận hưởng những trải nghiệm mà mình không có.
Họ có thể liên tục kiểm tra điện thoại, mạng xã hội để cập nhật tin tức, hình ảnh của người khác và luôn cảm thấy bồn chồn, lo lắng rằng mình đang bỏ lỡ điều gì đó.
2. Từ xa xưa, con người luôn có mong muốn được đẹp trong mắt người khác. Mong muốn đó đã có cơ hội thể hiện mới với sự xuất hiện của các công nghệ hiện đại. Các ứng dụng truyền thông xã hội ngày nay có rất nhiều cách để cải thiện hình ảnh người dùng một cách tinh tế.
Có một câu chuyện thế này: Transsion, dòng điện thoại di động do một công ty ở Thâm Quyến, Trung Quốc sản xuất mà nhiều người Trung Quốc không hề biết, là thương hiệu điện thoại phổ biến nhất châu Phi, vượt qua iPhone, Samsung hay các thương hiệu điện thoại Trung Quốc khác.
Ở thời điểm mới gia nhập thị trường châu Phi nhiều năm trước, điện thoại Transsion lập tức “gây sốt” bởi chúng có một tính năng: Cứ chụp ảnh bằng dòng máy này thì da người châu Phi trông trắng và sáng hơn hẳn. Hẳn nhiên là điện thoại Transsion đã trở thành “công cụ tự sướng” đối với nhiều người châu Phi kể từ đó.
Nỗi ám ảnh thời hiện đại về việc chụp và chia sẻ những bức ảnh cá nhân đã đi xa đến mức năm 2017, bệnh “chụp ảnh tự sướng” được công nhận là một tình trạng tâm lý thực sự.
Thuật ngữ này ban đầu đặt ra chỉ để đùa vui nhưng sau đó được các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham Trent (Anh) và Trường Quản lý Thiagarajar ở Ấn Độ sử dụng. Ấn Độ cũng chính là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới liên quan việc chụp ảnh cá nhân ở những nơi nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu định nghĩa mắc “bệnh chụp ảnh tự sướng” là khi người ta cảm thấy buộc phải liên tục đăng ảnh của mình lên mạng xã hội và có thể cần được giúp đỡ.
Các phát hiện được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Sức khỏe Tâm thần và Nghiện (International Journal of Mental Health and Addiction) đã xác nhận rằng có ba mức độ tự kỷ.
Các trường hợp chớm mắc bệnh là những người chụp ảnh mình ít nhất ba lần một ngày nhưng không đăng lên mạng xã hội. Tiếp theo là giai đoạn “cấp tính” khi các bức ảnh được đăng tải.
Ở giai đoạn “mãn tính”, bệnh nhân cảm thấy không thể kiểm soát được sự thôi thúc muốn chụp ảnh chính mình suốt ngày đêm, đăng ảnh hơn 6 lần một ngày.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người mắc chứng “chụp ảnh tự sướng” điển hình thường thiếu tự tin, luôn hy vọng nâng cao vị thế xã hội và cảm thấy là một phần của thế giới bằng cách liên tục đăng ảnh của mình.
Đối với nhà tâm lý học, Tiến sĩ Linda Papadopoulos (người Anh), tác giả cuốn sách "Unfollow" (hủy theo dõi), văn hóa “check-in” hiện đại đang gây tổn hại cho sức khỏe tâm thần của giới trẻ.
Bà nói với tờ Telegraph: “Ngày trước chúng tôi không thể sống theo phong cách những người mẫu trên tạp chí nhưng bây giờ giới trẻ thậm chí còn không thể sống theo chính họ. Điều đó thực sự sai lầm. Tôi nghĩ thời đại tự PR này rất quỷ quyệt, đặc biệt là khi bạn đang cố gắng tạo dựng ý thức về bản thân”.
Tiến sĩ Papadopoulos nói thêm rằng bà cảm thấy cơn sốt ảnh “check-in” là một triệu chứng của môi trường không lành mạnh mà mạng xã hội đã tạo ra cho giới trẻ.
“Tôi tin rằng mức độ lo lắng và trầm cảm bị ảnh hưởng bởi cách chúng ta liên hệ với mạng xã hội và cách chúng ta không sống theo con người lý tưởng hóa của mình”, bà nói.
Tổ chức từ thiện YoungMinds chuyên về sức khỏe tâm thần cho giới trẻ ở Anh cho biết họ lo ngại rằng giới trẻ ngày nay phải đối mặt với áp lực “tạo thương hiệu cá nhân” cho mình trên mạng xã hội.
Theo YoungMinds, các bậc cha mẹ cần phải nhận thức được sự căng thẳng ngày càng gia tăng mà con cái họ đang phải chịu và giúp chúng hiểu rằng mạng xã hội đã đưa ra một phiên bản sai lệch của thực tế.
Tom Madders, Giám đốc Chiến dịch tại YoungMinds, cho biết: “Mặc dù mạng xã hội có thể mang lại nhiều điều tích cực nhưng nó cũng có thể làm tăng thêm khó khăn cho quá trình trưởng thành. Giới trẻ hiện nay phải đối mặt với áp lực phải tạo dựng thương hiệu cá nhân từ khi còn trẻ và có thể cảm thấy cần phải đo lường cuộc sống của mình bằng số lượt “like” mà họ nhận được.
Việc nhìn thấy liên tục những hình ảnh của bạn bè và những người nổi tiếng với vẻ ngoài “hoàn hảo” cũng có thể có tác động tiêu cực đến cách những người trẻ tuổi cảm nhận về bản thân”.
bình luận (0)