Học phí tăng cao: Sinh viên được lợi gì?

07/11/2021 07:55 daidoanket.vn

 

Tăng chất lượng đào tạo

Khi trường đại học chuyển sang cơ chế tự chủ, các khoản chi thường xuyên từ nhà nước sẽ bị cắt nên các trường phải bù một phần bằng việc tăng học phí.

Đây là giải pháp trước mắt còn về lâu dài, việc tìm nguồn hỗ trợ khác bên ngoài như tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ là giải pháp căn cơ để học phí không thể tăng nhanh, gây sốc cho người học và xã hội.

Đó là ý kiến của GS. TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực trước thông tin về việc hàng loạt trường đại học tăng học phí từ năm học này và dự kiến tăng từ năm sau. Ông cho rằng, học phí phải được thu đủ để đảm bảo chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục.

Dù là trường công hay trường tư đều phải xây dựng một khung kinh tế để đảm bảo thu đủ chi.

Trong đó, thu học phí như đã phân tích ở trên còn chi thì phải hợp lý và công khai để người học và xã hội được biết.

Tuy nhiên, ở Việt đây vẫn là vấn đề ít được các trường công bố rộng rãi, chủ yếu trong phạm vi nội bộ nhà trường được biết nên khó để đánh giá việc tăng học phí liệu có lợi gì cho sinh viên hay không?

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội cho rằng, tăng học phí phải đảm bảo rằng chất lượng sẽ tăng lên và sinh viên là người được hưởng lợi chính từ việc đầu tư.

Chia sẻ quan điểm này, Tiến sĩ Phạm Hiệp (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia) cho rằng, khi các trường tăng mức học phí thì phải chứng minh được về chất lượng đào tạo của mình.

Điều này phải được thể hiện qua hệ thống đảm bảo chất lượng, với các tiêu chí về kiểm định chất lượng và các thông số minh bạch về kết quả đầu ra như xếp hạng; công bố khoa học của giảng viên; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc cần công khai, minh bạch… các chỉ số này để người học có cơ sở lựa chọn.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường thực hiện 3 công khai trên website của nhà trường. Cần thiết phải có cơ chế giám sát về mức độ chính xác của các chỉ số này.

Thêm lựa chọn cho người học

Lâu nay người học vẫn có xu hướng chọn trường đại học công lập vì mức học phí thấp hơn so với trường tư cũng như uy tín, chất lượng, bề dày truyền thống sẵn có của các trường công.

Tuy nhiên, khi mức học phí của trường công cũng ngang ngửa với trường tư thì rõ ràng người học sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn hơn.

Lúc này, để thu hút thí sinh thì chỉ có chất lượng đào tạo mới là yếu tố chính để người học cân nhắc đăng ký.

Học phí đại học đã, đang và sẽ không còn ở mức “giá rẻ” khi tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp 3-5 lần so với mức thu trước đó là thực tế người học sẽ phải đối mặt.

Điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi được tiếp cận giáo dục đại học của nhiều sinh viên nghèo. Vì vậy, các giải pháp đi cùng theo đó phải là miễn giảm học phí, tín dụng và học bổng.

Theo một nghiên cứu của Nhóm Đối thoại Giáo dục (VED), chính sách học bổng phải được xây dựng một cách linh hoạt và hợp lý, bao gồm học bổng dựa trên thành tích lẫn học bổng theo nhu cầu cần được hỗ trợ.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí, từng phần hoặc toàn bộ, cho những ngành học cần thiết cho sự phát triển bền vững của quốc gia nhưng thị trường không có động lực để đáp ứng nhằm khuyến khích người học và cân bằng nhu cầu về nguồn lực.

Một kinh nghiệm được VED đề cập đó là ở nhiều quốc gia đang duy trì học phí gắn với cơ chế khích lệ.

Tức là các trường có chế độ miễn giảm đối với những sinh viên cam kết đạt được những mục tiêu nhất định và đạt được trong thực tế, ví dụ tốt nghiệp đúng hạn, không thi lại,... Thực hiện được điều này thì việc tăng học phí sẽ “dễ thở” hơn với mọi người học.