Hoàn thiện thể chế - đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển

15/06/2022 11:47 Bảo Linh

Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cho biết, tiềm năng dầu khí đã được khẳng định nhưng chưa đạt được như kỳ vọng, sản lượng dầu đang suy giảm, nhưng chưa có cách sớm đưa các mỏ, mỏ cận biên để bù đắp. Trong khi đó, các dự án phát triển theo chuỗi đang gặp khó khăn, bởi phải tích hợp nhiều khung pháp lý, nhiều luật, dẫn đến sự chậm trễ không mong muốn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, gần đây, một số hoạt động thực tế đã và đang xảy ra trong hoạt động dầu khí nhưng chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh hoặc phù hợp để nâng cao hiệu quả cho ngành dầu khí.

Ví dụ vấn đề tận thu, điều tra cơ bản trong hoạt động dầu khí, tài chính dầu khí...

Theo ông Hiếu, để nâng cao hiệu quả hoạt động dầu khí, cần bổ sung những khung thể chế cho phù hợp.

Theo Luật Dầu khí hiện hành, hầu hết các quy trình liên quan, khi triển khai các hợp đồng dầu khí đều phải được Thủ tướng phê duyệt. Hiện nay, nội dung này đã được phân quyền cho cơ quan quản lý nhà nước.

Theo kế hoạch, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào 15/6.

Lần này, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) bổ sung quy định về phân cấp cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí; điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí/kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí, trong một số trường hợp có sự thay đổi không lớn về kỹ thuật, chi phí nhằm đẩy nhanh tiến độ, phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.

Theo nhiều chuyên gia, có thể nói đây là một bước đột phá, phù hợp hơn với thông lệ dầu khí quốc tế và chủ trương phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, trong dự án Luật phải có một hệ thống ưu đãi đầu tư trực tiếp, cạnh tranh và dài hạn, không lạc hậu ngay sau khi ban hành luật. Theo đó, dự thảo Luật phải có tính linh hoạt, trên cơ sở nguyên tắc hài hòa lợi ích và có thể tiếp cận theo từng dự án, từng nhà đầu tư trong từng trường hợp. Bên cạnh những ưu đãi trực tiếp, cải thiện môi trường kinh doanh chính là ưu đãi thiết thực, công bằng nhất và trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) thể hiện rõ điều này.

Dầu khí là ngành nhiều rủi ro, thứ nhất là rủi ro về kỹ thuật, thứ hai là rủi ro về thị trường, thứ ba là rủi ro về thời tiết (ở Biển Đông hứng chịu rất nhiều bão, các dạng thời tiết cực đoan). Chính vì vậy, ưu đãi với ngành dầu khí là cần thiết nhằm tạo ra sự hấp dẫn cho các dự án, tăng cơ sở để nhà đầu tư quyết tâm đầu tư. 

Ngoài ưu đãi về thuế, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Bảo hiểm tín dụng, bảo lãnh đầu tư cho các doanh nghiệp cũng góp phần giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh...