Hết thời lãi suất siêu thấp?

05/07/2021 07:45 toquoc.vn

Trong suốt đại dịch, các nhà quản lý đã sử dụng những lời khẳng định chắc chắn chính sách tiền tệ sẽ duy trì trạng thái nới lỏng để đối phó với sự thiếu chắc chắn của tương lai kinh tế Mỹ.

Nhưng điều đó dường như đã chấm dứt. Tại cuộc họp tháng 6, các nhà hoạch định chính sách phát tín hiệu lãi suất sẽ tăng trước cuối năm 2023, sớm hơn so với dự báo trước đó.

Mức dự báo lạm phát năm 2021 cũng được nâng lên.

Các nhà đầu tư đã mất khoảng 1 tuần để hấp thụ tin tức này.

Sau khi tăng mạnh, lợi suất trái phiếu dài hạn – chỉ số luôn biến động ngược chiều với giá cả - đã hạ nhiệt và giờ đang thấp hơn cả mức ban đầu.

Cổ phiếu lao dốc nhưng đã hồi phục trở lại và lập đỉnh mới.

Tiền tệ của các thị trường mới nổi vẫn giảm giá so với USD.

Các quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tương lai đột nhiên lọt vào danh sách rất nhiều ẩn số tác động mạnh đến nền kinh tế Mỹ đang hồi phục sau đại dịch.

Trước đó danh sách này đã bao gồm các biến thể mới của virus, số phận kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden, tốc độ chi tiêu của người dân và sự dai dẳng của những nút thắt cổ chai đang gây xáo trộn thị trường lao động và chuỗi cung ứng.

Khi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trở nên rõ ràng, góc nhìn đang tiến hóa của nhà đầu tư về những mảnh ghép nói trên sẽ phản ánh kỳ vọng của họ về tăng trưởng và lạm phát.

Giờ đây họ phải tính đến cả khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ hạ nhiệt nền kinh tế quá nóng bằng cách tăng lãi suất sớm hơn.

Động cơ khiến các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thay đổi là họ nhận ra lạm phát của năm 2022 sẽ cao hơn dự báo.

Trong 3 tháng tính đến tháng 5 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng lõi (đã loại trừ thực phẩm và năng lượng là những mặt hàng có giá cả biến động mạnh) đã tăng 8,3% - mức cao nhất kể từ khi Paul Volcker đánh bại lạm phát vào đầu những năm 1980 nhưng cũng đã đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn dự báo áp lực giá cả sẽ nhanh chóng giảm xuống, chừng đó là đủ để xuất hiện 1 dấu hỏi lớn về tương lai của chính sách tiền tệ.

Mức lạm phát trung bình 2% là mục tiêu mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đặt ra cho cả chu kỳ kinh tế, và tỷ lệ lạm phát cao của ngày nay đã được bù đắp bằng giảm phát thời suy thoái.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự báo chỉ số giá cả ở cuối năm 2021 sẽ cao hơn 3,4% so với 1 năm trước, hay cao hơn 0,6% so với mục tiêu mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đề ra từ cuối năm 2019. Nếu tính từ tháng 8/2020, khi khái niệm mục tiêu lạm phát trung bình lần đầu được giới thiệu, mức tăng sẽ là 1,2%.

Do đó về lý thì sự thay đổi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nên được chào đón. Vì kỳ vọng lạm phát có thể tự điều chỉnh, nếu công chúng nhận thức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không muốn để đà tăng giá vượt quá tầm kiểm soát, xác suất để điều đó xảy ra cũng giảm xuống.

Ngoài ra sự điều chỉnh dần dần ở thời điểm hiện tại cũng làm giảm khả năng lợi suất trái phiếu tăng vọt một cách hoảng loạn trong tương lai.

Những điều này giúp phòng tránh kịch bản "taper tantrum" như năm 2013, khi thị trường tài chính náo loạn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thông báo sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu.  

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đang cố gắng hết sức để cân bằng giữa việc phòng tránh lặp lại sai lầm và tái cấu trúc nhiệm vụ của Ngân hàng Trung Ương.

Nhiệm vụ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là đảm bảo đạt được các mục tiêu kinh tế chứ không phải bảo lãnh cho sự khỏe mạnh của thị trường tài chính.

Có lẽ ông sẽ hoàn thành nhiệm vụ này tốt hơn nếu như có thể làm cho khái niệm mục tiêu lạm phát trung bình trở nên rõ ràng hơn.

Một điều gây phiền toái khác là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thường dự báo không chính xác. Năm 2020 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đánh giá quá thấp sự hồi phục của thị trường việc làm và giờ thì bị bất ngờ trước lạm phát.

Trong tương lai sẽ còn xuất hiện nhiều bất ngờ.

Nguy cơ lạm phát bùng nổ thực sự hiện hữu.

Mặc dù giá hàng hóa (như đồng) đã giảm so với đỉnh lập trong tháng 5 và so với thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tổ chức cuộc họp mới nhất, thị trường trái phiếu đã không còn yên ả và nhiều chuyên gia (trong đó có cả các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) lo ngại lạm phát sẽ kéo dài đến tận sang năm.

Ngày càng rõ là chính sách tiền tệ sẽ phản ứng với hiện tượng lạm phát tăng, đó cũng là điều tất yếu.

Nhưng cũng đồng nghĩa lãi suất – và sau đó là giá tài sản – sẽ phản ánh nhiều hơn về sự thiếu chắc chắn đang bao phủ triển vọng kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

Tham khảo The Economist