HDI Global giải thích về tỉ lệ sở hữu cổ phần của PVI

05/05/2021 07:17 daidoanket.vn

 

Vào ngày 26/4, HDI Global SE đã nhận được thông báo xử phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), là cơ quan quản lý, giám sát về chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam, theo đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không chấp nhận một số giao dịch mua chứng khoán do HDI Global thực hiện tại Việt Nam.

Các giao dịch mua chứng khoán này liên quan đến khoản đầu tư của HDI Global vào Công ty Cổ phần PVI, một công ty niêm yết tại Việt Nam.

Vấn đề đầu tư trái phiếu hoán đổi

Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBCKNN (số 201/QĐ-XPVPHC), một trong những lập luận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là HDI Global đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần PVI lên hơn 50% trước khi được cho phép theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần PVI.

Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ trích việc HDI Global mua trái phiếu hoán đổi phát hành bởi Công ty Cổ phần đầu tư Đường Mặt Trời năm 2017.

Các thỏa thuận với Công ty Đường Mặt Trời đã có thể cho phép HDI Global thực hiện quyền hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu Công ty Cổ phần PVI.

Tuy nhiên, trên thực tế, HDI Global không thực hiện quyền hoán đổi này, mà đã tất toán trái phiếu trước hạn để nhận lại tiền và sau đó mua cổ phiếu của Công ty Cổ phần PVI thông qua sàn giao dịch chứng khoán sau khi các hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã được dỡ bỏ đối với Công ty Cổ phần PVI.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng việc sở hữu trái phiếu hoán đổi này đồng nghĩa với việc sở hữu cổ phiếu của Công ty Cổ phần PVI.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định HDI Global đã là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần PVI từ năm 2017, thông qua việc sở hữu trực tiếp cổ phần PVI và thông qua quyền chọn mua thêm/hoán đổi thành cổ phiếu PVI.

Ý kiến pháp lý ủng hộ quan điểm của HDI Global

HDI Global có quan điểm khác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cụ thể, HDI Global quan niệm rằng quyền chọn hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu không đồng nghĩa với việc được xem là cổ đông của một công ty niêm yết.

Ý kiến pháp lý của HDI Global được dựa trên ý kiến của các công ty luật quốc tế có danh tiếng cũng như các công ty luật hàng đầu Việt Nam.

Tất cả các công ty luật này đều xác nhận tính hợp pháp của giao dịch mua trái phiếu hoán đổi vào năm 2017.

HDI Global đã và đang tiếp tục trao đổi trên tinh thần xây dựng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cố gắng hướng đến một giải pháp hòa hợp.

HDI Global đã giải trình quan điểm của mình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét các giải trình, lập luận này.

Tất nhiên, HDI Global vẫn tận dụng đồng thời các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

HDI Global cũng đã nộp đơn khiếu nại vào ngày 29 tháng 4 vừa qua và sẽ mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Trong bối cảnh này, HDI Global đã yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp nhằm tạm thời đình chỉ việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định 201/QĐ-XPVPHC của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (buộc chuyển nhượng cổ phiếu PVI) cho đến khi có quyết định cuối cùng từ phía cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Việt Nam về vấn đề này.

HDI Global tin tưởng rằng tất cả các vấn đề liên quan đến Quyết định số 201 sẽ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Việt Nam xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng và công bằng, trên cơ sở tôn trọng pháp luật Việt Nam và những Hiệp định bảo hộ nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam.