Hà Nội tìm lời giải cho ô nhiễm không khí: Cần cú hích chuyển đổi xanh

17/07/2025 21:59 vietmy.net.vn
 

Tọa đàm nhằm nhận diện thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp cấp bách trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tại Hà Nội.

Hà Nội nhiều lần đứng đầu thế giới về ô nhiễm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 56,1% ô nhiễm không khí đến từ giao thông, đặc biệt là xe máy cũ nát. Thành phố hiện có gần 7 triệu xe máy và khoảng 800.000 ô tô chưa được kiểm soát khí thải. Ngoài ra, hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt dân sinh, điều kiện thời tiết và hệ thống xử lý chất thải còn yếu kém càng làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Thực tế cho thấy, trong nhiều ngày, chỉ số AQI tại Hà Nội vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt trong mùa đông-xuân. Ngày 15/7, AQI tại Hà Nội đứng thứ 2 thế giới về mức độ ô nhiễm, bầu trời mù mịt từ sáng tới trưa.

TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam – cảnh báo: Chất lượng không khí ở Hà Nội đã suy giảm nghiêm trọng trong nhiều năm, các chỉ số thường xuyên chạm mức đỏ, tím, thậm chí nâu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và có xu hướng gia tăng chứ không giảm.

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường – cho biết: Bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến hô hấp, tim mạch, thần kinh như hen suyễn, tăng huyết áp, đột quỵ, Alzheimer, Parkinson... Các nhóm dễ bị tổn thương nhất là trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai. Nếu không can thiệp kịp thời, hệ thống y tế có thể rơi vào quá tải, chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng lâu dài.

Luật Thủ đô 2024 và Chỉ thị 20: Cơ sở cho hành động

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Hà Nội kiên định mục tiêu phát triển bền vững theo hướng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại – Xanh – Thông minh”. Để thực hiện điều đó, Luật Thủ đô 2024 và Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng.

Theo Điều 28 của Luật Thủ đô, Hà Nội được quyền quy định vùng phát thải thấp, ban hành chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện giao thông sang dùng năng lượng sạch. Thành phố cũng sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế lưu thông xe phát thải cao, đồng thời phát triển hạ tầng phục vụ xe điện.

Thực hiện chỉ đạo, cuối năm 2024, Hà Nội đã ban hành nghị quyết thiết lập vùng phát thải thấp. Dự kiến, giai đoạn đầu sẽ thí điểm tại các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm. Đến quý III/2025, thành phố sẽ kiểm soát theo các vành đai 1, 2, 3, từng bước mở rộng phạm vi quản lý khí thải.

 

Chuyển đổi phương tiện – hạ tầng xanh phải đi trước

Thành phố đặt mục tiêu loại bỏ xe máy chạy xăng tại vành đai 1 từ 1/7/2026. Để hỗ trợ người dân, Hà Nội sẽ xây dựng chính sách đổi xe cũ lấy xe mới, miễn giảm lệ phí trước bạ cho xe xanh, hỗ trợ chi phí chuyển đổi, đặc biệt cho người dân thu nhập thấp.

Đồng thời, thành phố kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia chương trình phát triển phương tiện xanh, cung ứng xe điện giá hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, phòng cháy chữa cháy. Hạ tầng trạm sạc cũng được chú trọng đầu tư – trước mắt là khu vực nội đô, sau đó mở rộng toàn thành phố.

Dự kiến tháng 9/2025, UBND TP sẽ trình HĐND các nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa lộ trình và chính sách hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý vững chắc để thực hiện các mục tiêu môi trường.

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn khẳng định: “Kiểm soát ô nhiễm không khí là bài toán tổng thể, cần sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Không ai đứng ngoài cuộc trong hành trình kiến tạo một Hà Nội xanh, đáng sống cho hôm nay và cả mai sau.”

Hoàng Quỳnh

Link gốc