Đó là những chia sẻ của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng tại Hội nghị giao ban Quý III/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức vào ngày 11/10 vừa qua.
Đạt nhiều kết quả tích cực
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết: 2 năm qua, thành phố đã đạt được những kết quả về chuyển đổi số rõ rệt, Nghị quyết 18-NQ/TU đề ra 15 mục tiêu đến hết năm 2025, tính đến 9/2024, đã có 8/15 mục tiêu hoàn thành, trong đó có 7 mục tiêu hoàn thành vượt mức; 7/15 mục tiêu đang tiếp tục triển khai thực hiện, trong đó, 1 mục tiêu chưa có hướng dẫn về cách tính và thống kê từ các bộ, ngành.
Về hoàn thiện cơ chế chính sách, UBND thành phố đã ban hành các văn bản, triển khai nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số. Trong đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn thành phố. Trước đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết số 07/2003/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 quy định về mức phí, lệ phí bằng "không" khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Về phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin, thành phố đã và đang đầu tư, xây dựng, hoàn thiện, phát triển đồng bộ và hiện đại hạ tầng số đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sẵn sàng cho các mục tiêu chuyển đổi số, như: đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu chính; tiếp tục duy trì mạng diện rộng của thành phố (mạng WAN).
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP) đã kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành, trong đó, có chức năng Single Sign On (SSO), chức năng đăng nhập một lần vào các hệ thống thông tin của thành phố.
Về hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức thành phố (lĩnh vực nội vụ) đã triển khai tới 95 cơ quan, đơn vị; đã cấp 140/797 tài khoản cho các cơ quan, đơn vị tham gia khai thác, sử dụng, cập nhật dữ liệu. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã cập nhật 139.882 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức vào hệ thống và đồng bộ 139.022 hồ sơ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Về đảm bảo an toàn thông tin mạng, tỷ lệ các hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước đã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ đến tháng 9/2024 đạt trên 80%. 379 trang/cổng thông tin của các đơn vị thuộc thành phố đã được gán nhãn tín nhiệm mạng. Cấp hơn 61.000 chữ ký số cho các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức và hơn 72.000 chữ ký số cho công dân.
Về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, tiếp tục sử dụng hiệu quả các hệ thống hạ tầng thông tin quan trọng, có tính chất nền tảng cốt lõi của thành phố. Ngày 28/6/2024, tiếp tục đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh. Tiếp tục duy trì và vận hành các ứng dụng, dịch vụ như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố; Ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng…
Về phát triển kinh tế số và xã hội số, đến nay, đã tổ chức 216 khóa đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với hơn 11.000 học viên. Năm 2023, đã hỗ trợ cho 16.792 doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, đã hỗ trợ 3.450 doanh nghiệp thành lập mới. Hiện nay, 99,5% tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. 100% hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công. 100% doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đã thực hiện lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng…
Hiện toàn thành phố có gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với hơn 30.000 thành viên. Một số mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình đã được các quận, huyện triển khai tích cực.
Tiếp tục tập trung hoàn thành nhiệm vụ
Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị còn thiếu, cấp xã chưa có quy định vị trí việc làm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số (thực hiện kiêm nhiệm công tác chuyển đổi số); Hạ tầng kỹ thuật của một số đơn vị còn chưa đồng bộ: Mạng nội bộ hoạt động không ổn định, hay bị treo, đứt cáp; một số máy tính cá nhân có cấu hình thấp, không đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công.
Một số hệ thống thông tin dùng chung của thành phố đã được triển khai trên toàn thành phố, tuy nhiên, đôi khi hoạt động chưa ổn định, còn một số lỗi phát sinh: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (chưa cập nhật đầy đủ quy trình giải quyết thủ tục hành chính chung của thành phố). Một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chưa bảo đảm tiến độ (đất đai, xây dựng…). Việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu số còn nhiều rào cản dẫn đến công chức tại bộ phận "một cửa" các cấp phải thao tác trên nhiều hệ thống khác nhau.
Qua đó, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ về cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số, gồm: Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố phiên bản 3.0; Ban hành và tổ chức triển khai Đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đồng thời, hoàn thành một số nhiệm vụ về hạ tầng phục vụ triển khai chính quyền số; phát triển dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số, kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu Quốc gia và giữa các ngành….
Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn, khuyến khích người dân khai thác, sử dụng các dịch vụ số dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử. Hướng dẫn các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản trên không gian số, dần hình thành công dân số, văn hóa số./.
Linh Linh
bình luận (0)