Giảm thu nhập, hơn 80% người lao động đồng ý làm vượt trần

18/10/2021 06:37 daidoanket.vn

 

Cụ thể, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận được đề nghị góp ý xây dựng dự thảo đề xuất điều chỉnh số giờ làm thêm trong tháng, Tổng Liên đoàn Lao động đã tổ chức khảo sát trực tuyến ý kiến người lao động.

Theo đó, trong tổng số 17.876 người lao động cho ý kiến, có tới 80% người được hỏi đồng ý làm vượt trần quá 40 giờ/tháng và đồng ý làm thêm từ 200-300 giờ/năm. Lý do chính mà công nhân chấp nhận làm thêm giờ nhiều là do không có tích lũy, cuộc sống quá khó khăn, lương thấp.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức, mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức, khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức, việc làm tạm thời như thường thấy trước đây.

Trong Quý III năm 2021, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468,9 nghìn người so với quý trước và giảm 657 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông lâm nghiệp, thủy sản là 18 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tính theo tỷ lệ, lao động có việc làm phi chính thức Quý III năm 2021 là 54,5%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, giảm cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn.

Đáng chú ý, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong Quý III/2021 tăng gần 1 triệu người so với quý trước và gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước (đạt 5,2 triệu người). Số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn.

Điều này cho thấy, dịch bệnh kéo dài đã làm số lượng rất lớn lao động gặp khó khăn trong công việc và chuyển sang làm các công việc tự sản tự tiêu.

Đứng trước thực tế phần lớn người lao động đều có  nhu cầu làm thêm kịch trần nhằm bù đắp cho thiếu hụt về thu nhập trong những tháng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Tuy nhiên kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần lớn người lao động đề nghị việc làm thêm giờ vượt mức trần không thể kéo dài và chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn

Nói về vấn đề này, Phó trưởng ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho biết, đề xuất bỏ trần làm thêm 40 giờ mỗi tháng chỉ nên có thời hạn ngắn, tạm thời.

Và trong tương lai phải có giải pháp tốt hơn, đó là nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động chứ không phải kéo dài thời gian lao động bằng cách bỏ trần số giờ làm thêm.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, khi huy động công nhân làm thêm giờ, doanh nghiệp phải có các chính sách chăm lo cho người lao động, để họ có sức khỏe lâu dài, có chính sách đãi ngộ, chăm sóc sức khỏe trực tiếp.

Về lâu dài, phải tính toán yếu tố nâng cao năng suất lao động bằng khoa học công nghệ, quản trị một cách khoa học.