Giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp

26/05/2023 05:37 daidoanket.vn

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ra quyết định giảm lãi suất điều hành. Động thái này nhằm mục đích để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Doanh nghiệp mong đợi lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp mong đợi lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Ảnh: Quang Vinh.

Lần giảm lãi suất điều hành thứ 3

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD).

Với quyết định này, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Tại Quyết định số 951/QĐ-NHNN ban hành cùng ngày về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) trong việc tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước đó, trong tháng 3 và 4, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 1%/năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Theo NHNN, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm, giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022. Lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3/2023 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối năm 2022.

Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất hạ tiếp

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Nguyễn Xuân Thống cho biết, thời gian qua, nhiều lĩnh vực kinh tế như dệt may, da giày, xi măng, sắt thép... bị sụt giảm đơn hàng. Các DN hiện rất khó khăn, trong đó, phần lớn các DN gặp khó về vốn và dòng tiền, đặc biệt là vốn lưu động, các khoản đầu tư cho trung, dài hạn.

Nhiều DN cũng cho biết, hiện nay dù lãi suất đã giảm khoảng 0,5-1% nhưng vẫn còn khá cao so với nội lực của DN. Nếu DN vay ngắn hạn cũng phải chịu mức lãi suất 9-10%, dài hạn vẫn ở mức 11%. Do đó, các DN mong muốn lãi suất tiếp tục hạ nhiệt, đặc biệt là với những ngành nghề kinh doanh mà biên độ lợi nhuận không cao.

Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) khẳng định, nhu cầu vốn đối với toàn ngành du lịch luôn quan trọng và hết sức cần thiết. Ngay khi Chính phủ quyết định mở cửa toàn bộ ngành du lịch từ 15/3/2022, các DN, trong đó có Saigontourist đã trở lại ngay lập tức, kéo theo các chi phí hoạt động, nhân công, nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh kết nối thị trường truyền thống và thị trường mới…

Đồng thời, Saigontourist cũng có các dự án đầu tư ở các tỉnh thành và trước dịch cũng có vốn vay ngân hàng nhưng do ảnh hưởng Covid-19 nên doanh thu, lợi nhuận còn khó khăn. Theo ông Tài, hiện tại, doanh thu đã tăng trở lại, song thực tế khách hàng chi tiêu ít hơn nên tổng doanh thu của DN giảm, trong khi đó chi phí đầu vào như lãi suất vay lại tăng cao. Do đó, Saigontourist đề nghị NHNN tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay dài hạn.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, lãi suất hợp lý được xem là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hoá phát triển, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và ngược lại. Lãi suất là vấn đề rất lớn, có tác động sâu sắc tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như sự hoạch định chính sách trong thời gian tới. Lãi suất hạ nhiệt sẽ là công cụng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, từ đó góp phần phục hồi và tạo đà phát triển kinh tế.

TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương): Giảm lãi suất sẽ có lợi cho tất cả. Bởi, khi lãi suất giảm thì doanh nghiệp mới giảm được áp lực về chi phí vốn, từ đó có thêm nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, nhờ vậy ngân hàng sẽ giảm được rủi ro về vốn. Đó là tác động cộng sinh.

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1.135.100 tỷ đồng, với lãi suất cho vay bình quân là 10%/năm, riêng chi phí lãi vay mà các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã phải chịu là 1.135.091 tỷ đồng, tương đương 12% GDP. Nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm, thì hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện tại.