Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của gia đình đối với sự phát triển chung của xã hội. Người khẳng định: "Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình". Theo Người: "Một gia đình mới, một gia đình tốt là một gia đình mà trong đó các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn trong công việc cùng nhau, nam nữ bình đẳng. Phải đề cao và tôn trọng người phụ nữ".
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định cũng nhấn mạnh: "Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Trải qua nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ, gia đình Việt Nam luôn được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày Gia đình Việt Nam ra đời đã góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Là dịp để mọi người cùng nhau nhìn lại, trân trọng và phát huy những giá trị truyền thống của gia đình.
Đặc biệt, Ngày Gia đình Việt Nam còn là dịp để lan tỏa và tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc như tình yêu thương, sự hiếu thuận, hòa hợp, tôn trọng, cần cù, sáng tạo, chia sẻ, hỗ trợ. Tình yêu thương, sự hiếu thuận, tôn trọng là nền tảng của mọi mối quan hệ trong gia đình giúp tạo nên một môi trường sống hòa hợp, ấm áp, lành mạnh. Cần cù, sáng tạ
o là những đức tính quý báu giúp mỗi thành viên trong gia đình không ngừng nỗ lực, phấn đấu để đạt được những mục tiêu trong cuộc sống…. Đây là những giá trị cốt lõi giúp gia đình trở thành nền tảng vững chắc của xã hội. Việc giáo dục con cái về những giá trị này không chỉ giúp gia đình hạnh phúc mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, tốt đẹp hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, gia đình là môi trường hết sức quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, đạo đức của mỗi con người. Một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ giúp con cái phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần, tạo nên những công dân tốt, là nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngược lại, một gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm, chăm sóc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con cái. Vì vậy, việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, đẩy lùi bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình Việt Nam với những giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp. Các chương trình giáo dục, tuyên truyền về vai trò của gia đình, các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đã được triển khai rộng rãi. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí dành cho gia đình cũng được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình gắn kết, hiểu nhau hơn…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều gia đình cũng đang phải đối mặt với những thách thức như sự thay đổi trong cấu trúc xã hội; sự phát triển của công nghệ khiến việc tâm sự, trao đổi, chia sẻ trực tiếp dần bị hạn chế; Vòng xoáy công việc khiến các thành viên trong gia đình ít dành thời gian cho nhau hơn… Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến sự gắn kết và hạnh phúc gia đình. Để gia đình thực sự là điểm tựa vững chắc, là nơi duy trì bản sắc văn hóa truyền thống, đòi hỏi mỗi cá nhân trong chúng ta cần phải biết trân trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam.
Muốn xây dựng một gia đình gắn kết, các thành viên trong mỗi gia đình nên dành nhiều thời gian cho các hoạt động gia đình. Thấu hiểu và tôn trọng ý kiến, quyền riêng tư và cảm xúc của nhau. Quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra một môi trường sống lành mạnh nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Cần biết lắng nghe, chia sẻ và giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa. Khuyến khích đối thoại cởi mở, trung thực. Gia đình phải là nơi để mọi người luôn sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Khi một thành viên gặp khó khăn, các thành viên khác sẽ cùng nhau tìm cách giúp đỡ, động viên và chia sẻ gánh nặng…
Có thể nói, gia đình quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của mỗi con người, mỗi xã hội, mỗi quốc gia, dân tộc. Việc xây dựng một gia đình gắn kết, vững mạnh không chỉ mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân mà còn góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Gia đình ấm no, hạnh phúc là cơ sở để xây dựng xã hội ổn định, phát triển như chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 đã nhấn mạnh: "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng".
PV
*Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện
bình luận (0)