Ever Given chắn Suez: Thế giới thiệt hại, Moscow thắng lớn với yếu điểm của Nord Stream 2

31/03/2021 15:09 cafef.vn

Ever Given chắn ngang kênh Suez

Gần 300 triệu USD các sản phẩm dầu mỏ của Nga đang chờ đi qua kênh đào Suez - nơi tắc nghẽn sau sự cố tàu Ever Given bị kẹt tại đây. Tuy nhiên, Moscow có thể đang hy vọng sự cố này trở thành một nền tảng cho lợi ích lâu dài.

Ever Given chắn Suez: Thế giới thiệt hại, Moscow thắng lớn với yếu điểm của Nord Stream 2 - Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh tàu Ever Given mắc kẹt. Ảnh: Telegram

Kênh đào Suez là tuyến đường thông cho 12% lượng hàng hóa toàn cầu, lượng hàng hóa đi qua hàng ngày ước tính có giá trị khoảng 10 tỷ USD.

Nga - quốc gia xuất khẩu các sản phẩm dầu thô lớn nhất qua kênh đào, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty phân tích năng lượng Vortexa tính toán rằng, trung bình mỗi ngày Nga vận chuyển 546.000 thùng dầu qua kênh đào. Con số này chiếm khoảng 5% tổng sản lượng dầu của Nga, với giá trị thị trường gần 35 triệu USD.

Nhà phân tích hàng hóa cấp cao của Vortexa ông Arthur Richier nói với The Moscow Times rằng, đã có 6 tàu chở dầu đi từ các cảng của Nga bị kẹt lại trong vụ tắc nghẽn tại kênh đào Suez. Các tàu này của Nga hiện đang chở 3.2 triệu thùng dầu thô - trị giá khoảng 195 triệu USD và 1.2 triệu thùng dầu sạch Naphtha trị giá khoảng 95 triệu USD.

"Các nhà máy lọc dầu đang rất cần Naphatha và họ thực sự thích Naphatha của Nga. Trong 15 tháng qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 240.000 thùng các sản phẩm dầu sạch từ Nga tới Trung Đông và châu Á. Vì vậy, có sẽ ảnh hưởng đến một tuyến đường cung cấp dầu quan trọng tới châu Á."

Ever Given chắn Suez: Thế giới thiệt hại, Moscow thắng lớn với yếu điểm của Nord Stream 2 - Ảnh 2.

Ảnh: Tass

Các nhà phân tích tại OANDA cho biết, cho tới nay, các nhà máy lọc dầu châu Á đang giảm lượng hàng tồn kho của họ trong khi chờ đợi các chuyến hàng bị trì hoãn từ Nga và các cảng châu Âu khác tới nói.

Sự tắc nghẽn đã khiến giá dầu tăng vọt. Nhiều tàu cũng quyết định tránh kênh đào và thực hiện hành trình dài hơn quanh cực Nam của châu Phi.

Trước những khó khăn này, Moscow lại hy vọng có thể biến sự cố thành lợi ích lâu dài.

Các quan chức bắt đầu tích cực quảng bá Tuyến đường Biển phương Bắc của Nga (NSR) - một tuyến đường biển thay thế từ châu Âu sang châu Á đi qua Bắc Cực. Tuyến đường này cắt giảm khoảng cách hành trình giữa Trung Quốc và châu Âu tới khoảng 40%. Mặc dù giao thông đã phát triển trong những năm gần đây nhưng tuyến đường mới vẫn chưa chứng tỏ mình là một đối thủ cạnh tranh xứng với Kênh đào Suez. Tuy nhiên, sự cố lần này có thể làm thay đổi cục diện và Nga có thể đang tận dụng cơ hội để chào mời cho sự phát triển cơ sở hạ tầng của tuyến đường mới.

Đại sứ Nga tại Hội đồng Bắc cực Nikolai Korchunov nói với hãng thông tấn Interfax rằng: "Rõ ràng cần phải suy nghĩ về cách quản lý hiệu quả rủi ro vận tải và phát triển các tuyến đường thay thế đến Kênh đào Suez, trước hết là Tuyến đường Biển phương Bắc (NSR)."

Ever Given chắn Suez: Thế giới thiệt hại, Moscow thắng lớn với yếu điểm của Nord Stream 2 - Ảnh 3.

Ông Nikolai Korchunov

Yếu điểm Nord Stream 2 được khẳng định: Vận chuyển bằng đường ống luôn là phương án tối ưu

Một chiến thắng quan trọng hơn đối với Nga so với NSR có thể là khả năng sự cố ở kênh đào Suez giúp Nga khôi phục quan hệ năng lượng với châu Âu.

Bất chấp những tranh cãi địa chính trị về đường ống dẫn khí Nord Stream 2, Moscow đánh giá cao danh tiếng của mình là một nhà cung cấp đáng tin cậy về dầu và khí đốt cho thị trường châu Âu. Nga chiếm hơn 40% lượng khí đốt và 27% lượng xăng dầu nhập khẩu của châu Âu, theo số liệu thống kê chính thức của EU.

Trong bối cảnh việc giao hàng từ Trung Đông bị đình trệ nhiều, Nga có thể thúc đẩy doanh số bán hàng của cả hai mặt hàng này sang châu Âu.

Các quan chức hiện đang xúc tiến việc cây dựng đường ống Nord Stream 2 sau khi những tranh cãi nổ ra xung quanh việc kênh Suez bị tắc nghẽn.

Người đứng đầu Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia của Nga Konstantin Simonov cho rằng: "Điều này chứng tỏ rõ ràng những lợi thế mà Nga có được khi là nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu."

Moscow Times nhận định, vì châu Âu cũng là khách hàng khí đốt đáng kể của Trung Đông, chính vì vậy, các nhà phân tích kỳ vọng châu lục này chắc chắn sẽ quay sang Nga để lấp đầu bất kỳ khoảng trống nào trong thời gian ngắn. Điện Kremlin hy vọng điều đó mang lại cho họ cơ hội thể hiện lợi ích đối với tư cách là một nhà xuất khẩu năng lượng thân thiện, cạnh tranh và an toàn, bất chấp những trừng phạt từ Mỹ.

Chuyên gia cho rằng, các đường ống hiếm khi bị gián đoạn và luôn là cơ chế vận chuyển đáng tin cậy nhất. Vụ tai nạn ở kênh đào Suez là lời nhắc nhở kịp thời về thực tế đó.