EU đưa ra chính sách thuế biên giới carbon đầu tiên trên thế giới và các quốc gia nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất

19/07/2021 13:54 Linh Nguyễn/ Ifnews

Hai mục đích chính

Thuế biên giới carbon nhằm đánh thuế đối với lượng khí thải carbon của toàn bộ quy trình sản xuất của một công ty.

Thuế biên giới carbon của EU có hai mục đích chính: một là giúp EU đáp ứng các mục tiêu phát thải đặt ra trong mục tiêu mới về khí hậu; hai là để bảo vệ các công ty địa phương cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài không bị ràng buộc bởi các quy định về khí hậu.

Mục tiêu khí hậu mới của EU là giảm ít nhất 55% lượng khí thải carbon so với năm 1990 vào năm 2030.

Theo các báo cáo, Liên minh Châu Âu từ lâu đã là tổ chức tiên phong và dẫn đầu trong phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Hầu hết các ngành công nghiệp ở EU được điều chỉnh bởi hệ thống buôn bán khí thải carbon.

Theo hệ thống này, chính phủ đặt ra hạn mức tối đa về lượng khí thải carbon của các công ty trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều khí thải carbon và thị trường buôn bán carbon xác định giá phát thải.

Do hạn mức tối đa được chính phủ quy định sẽ thắt chặt theo thời gian, chi phí mua từ thị trường buôn bán carbon sẽ tăng tương ứng, điều này thường gây ra gánh nặng tài chính nghiêm trọng cho các công ty.

Ví dụ, công ty thép Arcelor Mittal có trụ sở tại Luxembourg, để giảm lượng khí thải carbon càng nhiều càng tốt, đã thử thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng hydro trong lò nung, và những cải tiến như vậy sẽ tiêu tốn ít nhất hàng tỷ euro.

Trong tình huống như vậy, so với các công ty nước ngoài không có các ràng buộc nghiêm ngặt về chính sách khí hậu, các công ty nội địa của EU thường gặp bất lợi trong cuộc cạnh tranh.

Do đó, từ quan điểm môi trường hay kinh tế, việc thực hiện thuế biên giới carbon sẽ là một nhu cầu cứng rắn của EU.

Làm thế nào để thực hiện

Theo chính sách thuế biên giới carbon, nhà nhập khẩu cần mua số lượng chứng chỉ điện tử tương ứng theo lượng khí thải carbon do hàng hóa nhập khẩu tạo ra.

Giá của mỗi chứng chỉ điện tử không cố định và chủ yếu được xác định bởi giá thị trường giao dịch carbon của EU trong tuần.

Năm nay, giá thị trường thương mại carbon của EU đạt mức cao mới, giá của một tấn khí thải carbon vượt mức 58 euro.

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng với việc công bố chính sách thuế biên giới carbon, dự kiến ​​giá thị trường giao dịch carbon sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2030.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thuế carbon cũng có thể được miễn.

Theo Ủy ban châu Âu, nếu nhà nhập khẩu có thể chứng minh rằng hàng hóa nhập khẩu đã trả một mức giá nhất định cho lượng khí thải carbon trong toàn bộ quá trình sản xuất, thì phần chi phí này có thể được khấu trừ vào thuế carbon cuối cùng.

Theo Ủy ban châu Âu, thuế biên giới carbon sẽ dần được thực hiện vào năm 2026, nhưng sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2023 đến năm 2025.

Ở giai đoạn này, các nhà nhập khẩu cần theo dõi và báo cáo lượng khí thải carbon của họ.

Tác động là gì

Các quốc gia áp dụng chính sách thuế biên giới carbon là những quốc gia không định giá đối với lượng khí thải carbon và điều này bao gồm hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Chính sách này cũng đã làm dấy lên mối quan tâm rộng rãi, bao gồm việc liệu chính sách thuế biên giới carbon có vi phạm các quy định của WTO là cấm đối xử ưu đãi với một số đối tác thương mại hay không.

Các quốc gia dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách thuế biên giới carbon bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Vương quốc Anh và Ukraine xuất khẩu một lượng lớn phân bón, thép, sắt và nhôm sang Liên minh châu Âu.

Vào ngày 8 tháng 4 năm nay, khi kết thúc cuộc họp bộ trưởng về biến đổi khí hậu "Bốn nước cơ bản" lần thứ 30, gồm Trung Quốc, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ đã cùng đưa ra một tuyên bố bày tỏ quan ngại về việc đặt ra một số giao dịch phân biệt đối xử.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cũng cho biết hôm thứ 3 rằng, mặc dù định giá lượng khí thải carbon là một công cụ hiệu quả, nhưng cần phải công nhận rằng các quốc gia khác đã sử dụng các phương pháp khác nhau để kiểm soát lượng khí thải carbon.

Tổ chức Phát triển Thương mại Liên hợp quốc (UNCTAD) ngày 14/7 đưa ra cảnh báo, sơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU được công bố ngày 14 tháng 7 có thể thay đổi mô hình thương mại, vốn có lợi cho các quốc gia có hiệu quả sử dụng tài nguyên cao và ít phát thải carbon từ sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, nó có thể có tác động tiêu cực đến xuất khẩu của các nước đang phát triển, đồng thời ít có tác dụng giảm thiểu biến đổi khí hậu..

Báo cáo của UNCTAD cho biết một số đối tác thương mại của EU xuất khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều carbon lo ngại rằng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ cắt giảm mạnh xuất khẩu của họ, nhưng những thay đổi có thể không quá nghiêm trọng như một số người lo ngại.

Báo cáo chỉ ra rằng nếu cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU được thực hiện với mức giá 44 đô la Mỹ cho mỗi tấn khí thải carbon dioxide nhúng, thì xuất khẩu của các ngành sử dụng nhiều carbon của các nước đang phát triển sẽ giảm 1,4%, nếu giá carbon phát thải là 88 đô la Mỹ mỗi tấn, xuất khẩu sẽ giảm 2,4%.

Theo phân tích của UNCTAD, nếu giá carbon của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU là 44 đô la Mỹ mỗi tấn, thu nhập của các nước phát triển sẽ tăng 2,5 tỷ đô la Mỹ, trong khi thu nhập của các nước đang phát triển sẽ giảm 5,9 tỷ đô la Mỹ.