Dự án FDI cấp mới tại Bình Dương giảm hơn 53% so với cùng kỳ 2020

11/08/2021 06:29 toquoc.vn

Tính đến 20/7, Bình Dương là địa phương xếp thứ 2 cả nước về thu hút FDI, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh với 3.982 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 36,8 tỷ USD, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch & Đầu tư.

Tuy vậy, tính riêng 7 tháng năm nay, số dự án FDI được cấp mới giảm hơn 53% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 37 dự án.

Đáng nói, số dự án điều chỉnh tăng vốn giảm hơn 70%, tương đương 19 dự án được điều chỉnh vốn trong 7 tháng vừa qua, theo Cục Thống kê Bình Dương.

Dự án FDI cấp mới tại Bình Dương giảm hơn 53% so với cùng kỳ 2020 - Ảnh 1.

Tình hình thu hút FDI 7 tháng của Bình Dương. Ảnh: Cục Thống kê Bình Dương.

Trong bối cảnh vừa chịu tác động của dịch Covid-19, vừa thực hiện mục tiêu kép, Bình Dương xác định ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ sách, ít sử dụng lao động, có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Với định hướng vừa nêu, chiến lược thu hút FDI của tỉnh đã có những điều chỉnh theo hướng tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đường thủy, đường bộ và đường sắt đảm bảo tính liên hoàn và kết nối vùng.

Ông Yeh Ming Yuh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Polytex Far Eastern (Việt Nam) cho rằng Bình Dương có tầm nhìn quy hoạch khá tốt khi hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện.

Địa phương cũng luôn có định hướng kết nối vùng để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Trước những định hướng phát triển của Bình Dương trong tương lai, doanh nghiệp này cho biết quyết định mở rộng quy mô sản xuất của nhà máy tăng gấp đôi tại khu công nghiệp Bàu Bàng.

Bình Dương cũng định hướng quy hoạch một khu công nghiệp khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng để thu hút vốn từ tập đoàn đa quốc gia, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học.

Khu công nghiệp sẽ vừa đóng vai trò tiên phong cho việc ra đời các phương tiện sản xuất mới, ít thâm dụng lao động vừa phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị tăng cao.

Khu công nghiệp còn tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học, xây dựng môi trường sống tốt cho chuyên gia, tăng năng suất lao động, tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Địa phương cũng đang xây dựng một chiến lược chuyển đổi số toàn diện ở cả khu vực công và tư, với quy mô toàn tỉnh.

Trong đó, tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nâng cấp dần mô hình sản xuất lên 4.0, sử dụng giải pháp số, ứng dụng chuyển đổi số trong ngành công nghiệp, phát triển nhà máy và dây chuyền sản xuất thông minh... qua đó góp phần hình thành mô hình khu công nghiệp số và nâng cấp những khu công nghiệp truyền thống hiện hữu.

Muốn vậy, doanh nghiệp được khuyến nghị kết nối với nhau thành chuỗi cung ứng chuyển đổi số.

Đây là tiền đề để nâng cao chất lượng hàng hóa, năng suất lao động và ít thâm dụng lao động hơn.

Trong làn sóng lần thứ 4 của dịch Covid-19, Bình Dương là địa phương có ca nhiễm Covid-19 lớn thứ 2, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh với 31.851 trường hợp, chiếm hơn 14% tổng số ca nhiễm Covid-19 của toàn quốc, tính từ 27/4.

Để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch vừa sản xuất, Bình Dương đã tổ chức phương án cho doanh nghiệp đăng ký “3 tại chỗ” và “2 cung đường, 1 điểm đến”.

Đây là giải pháp sản xuất được Bắc Ninh, Bắc Giang đã áp dụng và thành công.

Tuy nhiên, sau khi áp dụng, Bình Dương ghi nhận 19 doanh nghiệp tổ chức “3 tại chỗ” phát hiện ca nhiễm Covid-19.

Trong đó, Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt có 248/300 công nhân được đăng ký làm việc theo hình thức "3 tại chỗ" nhiễm SARS-CoV-2. Doanh nghiệp ngay sau đó đã phải đóng cửa, ngưng hoạt động.

Đến ngày 29/7, Bình Dương có 150 doanh nghiệp xin dừng hoạt động.