Động thái gần đây của PBOC tiết lộ Trung Quốc đã không thực sự từ bỏ giao dịch tiền số

26/11/2021 08:58 Đức Đặng (Theo Business Insider)

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, hàng trăm người đam mê tiền số đã tụ tập cho Tuần lễ Blockchain Quốc tế Thượng Hải hàng năm lần thứ bảy, với các bài phát biểu quan trọng của một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực tiền số, bao gồm cả nhà đồng sáng lập Ethereum Vitalik Buterin.

Rebecca Liao, đồng sáng lập kiêm CEO của công ty blockchain Skuchain và là cựu cố vấn trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden về chính sách của Trung Quốc, cho biết: “Như trong nhiều lĩnh vực chính sách liên quan đến khu vực tư nhân, mục tiêu của Trung Quốc không phải là cấm hoàn toàn hoạt động mà là tìm cách kiểm soát nó. Ngành công nghiệp blockchain của Trung Quốc sẽ quay trở lại sớm hơn những gì người ngoài có thể nghĩ và sẽ là sai lầm nếu bất kỳ công ty hoặc hệ sinh thái tiền số nào từ bỏ nó."

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp để đàn áp tiền số, bao gồm cấm các đợt phát hành ICO và cấm các ngân hàng tham gia vào ngành công nghiệp này. Nhưng đồng thời, chính phủ cũng đang phát triển tiền tệ kỹ thuật số của riêng mình và đã khởi chạy một mạng lưới cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các nhà phát triển blockchain.

Một bằng sáng chế được nộp vào đầu năm nay bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - cũng là cơ quan quản lý đã công bố cuộc đàn áp gần đây nhất - cho thấy chính phủ thậm chí có thể thử nghiệm việc đưa giao dịch tiền số trở lại vào một ngày nào đó.

Một trong những cơ quan quan trọng làm việc về tiền tệ kỹ thuật số nhà nước của Trung Quốc, được gọi là e-CNY hoặc đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, là Viện Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số, là một phòng nghiên cứu hoạt động trực thuộc PBOC.

Viện đã nộp hàng trăm bằng sáng chế liên quan đến e-CNY cho Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, hầu hết trong số đó liên quan đến những thứ như thiết kế ví và các giao dịch liên ngân hàng.

Nó cũng đã nộp bằng sáng chế vào tháng 6 cho một hệ thống giao dịch tiền số một phần dựa trên công nghệ được phát triển bởi Novi, công ty con về ví kỹ thuật số của Facebook.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu của Novi đã xuất bản một bài báo về một giao thức thanh toán thử nghiệm có tên FastPay, mà PBOC đã mở rộng để tạo ra một phương pháp mới để hoán đổi các loại tiền tệ khác nhau.

Hồ sơ cho thấy ngân hàng trung ương của Trung Quốc có thể đang khám phá cách thức hoạt động của một phiên bản được quản lý chặt chẽ hơn của thị trường giao dịch tiền số.

Bằng sáng chế đã được báo cáo vào tháng trước bởi giám đốc điều hành công nghệ Kevin Xu trong bản tin Interconnected, nơi ông suy đoán rằng Trung Quốc có thể cho phép giao dịch tiền số miễn là e-CNY được sử dụng như một đồng ổn định ở trung tâm của hệ sinh thái. Stablecoin là loại tiền số được cho là được hỗ trợ bởi các tài sản đáng tin cậy.

Yêu cầu mọi người sử dụng e-CNY để giao dịch tiền số sẽ giúp chính phủ kiểm soát thị trường nhiều hơn và hiểu rõ hơn về cách nó hoạt động. "Cấm buôn bán giống như cấm bản chất của con người. Điều đó sẽ không ích lợi gì, ngay cả ở Trung Quốc", Xu viết. "PBOC chỉ muốn đảm bảo rằng nó đang được thực hiện thông qua blockchain tập trung của riêng mình."

Liao cũng cho rằng Trung Quốc có thể cung cấp e-CNY như một loại tiền ổn định stablecoin nhưng lưu ý rằng chính phủ sẽ không làm như vậy trừ khi họ tin rằng họ có đủ quyền lực để ngăn chặn tội phạm và bất ổn tài chính tiềm ẩn.

Cô nói: “Có khả năng Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép các tổ chức phát hành nhân dân tệ kỹ thuật số tư nhân, trong khi tất cả các tổ chức phát hành stablecoin được hỗ trợ bằng USD đều là tư nhân”.

Trước mắt, Trung Quốc sẽ thử nghiệm sử dụng e-CNY cho các mục đích khác ngoài giao dịch. Năm ngoái, chính phủ đã bắt đầu thử nghiệm loại tiền kỹ thuật số này ở một số thành phố và gần đây đã thông báo rằng nó đã được sử dụng để tạo thuận lợi cho các giao dịch với tổng trị giá gần 10 tỷ USD.

Khi e-CNY chính thức ra mắt, các chuyên gia cho rằng nó có thể phá vỡ quyền độc quyền gần như tuyệt đối của Ant Financial và Tencent đối với thanh toán bán lẻ ở Trung Quốc. Alipay và WeChat Pay có mặt khắp nơi, cung cấp cho các gã khổng lồ công nghệ một lượng lớn thông tin về thói quen tài chính của người dân Trung Quốc.

Robert Greene, một thành viên không thường trú tại Sáng kiến Chính sách Không gian mạng và Chương trình Châu Á của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho biết: “PBOC rất phụ thuộc vào các công ty đó để thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, giám sát dữ liệu và đảm bảo rằng việc tuân thủ các luật và quy định khác nhau của Trung Quốc đang tiếp diễn”.

Zennon Kapron, người sáng lập Kapronasia, một công ty tư vấn tập trung vào ngành dịch vụ tài chính của châu Á, cho biết E-CNY cũng sẽ cung cấp cho chính phủ cái nhìn sâu sắc hơn về cách thức thực hiện các chính sách tiền tệ. Ví dụ, nếu chính phủ yêu cầu một ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ vay 1 tỷ USD, thì e-CNY sẽ cho phép nó theo dõi chính xác tiền đi đâu, ông giải thích.

Dữ liệu đó có thể hữu ích cho việc đạt được các mục tiêu phát triển, nhưng một số chuyên gia cũng đã đưa ra lo ngại rằng e-CNY sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát tài chính.

"Có rất nhiều quan điểm lạc quan về những gì điều này sẽ cho phép chính phủ làm," Kapron nói. Nhưng ông nói thêm rằng nhiều quốc gia có thể sẽ chớp lấy cơ hội triển khai một loại tiền kỹ thuật số tương tự.

Hàng chục quốc gia đang tìm hiểu các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương như e-CNY, mặc dù dự án của Trung Quốc được coi là một trong những dự án tiên tiến nhất.

Bên ngoài biên giới của mình, Trung Quốc có thể sử dụng e-CNY để thúc đẩy đồng nhân dân tệ trong hệ thống tài chính quốc tế. Greene cho biết tại Bắc Kinh, một số cơ quan quản lý muốn giảm thiểu sức mạnh của đồng USD Mỹ và tạo ra các kênh thay thế cho thanh toán xuyên biên giới.

Ông nói thêm: “Các tác động xuyên biên giới tiềm ẩn của e-CNY là rất lớn, đặc biệt là nếu nó trở nên tương thích với các hệ thống thanh toán của các quốc gia khác.

Có một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn mở cửa cho các dự án tiền số và blockchain khác ngoài e-CNY. Các ứng dụng tài chính phi tập trung DeFi đang phát triển mạnh mẽ trong nước và một ứng dụng thậm chí đã nhận được khoản đầu tư 5 triệu USD từ chính quyền Thượng Hải.

Ngoài ra còn có một thị trường NFT đang phát triển, mặc dù một số công ty đã đổi tên chúng thành "đồ sưu tầm kỹ thuật số" để tránh bất kỳ mối liên hệ nào với tiền số.

Kapron nói: “Trung Quốc không chống lại blockchain. Họ chỉ thực sự muốn làm điều đó theo điều kiện của riêng của mình thôi."