Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ bác bỏ tối hậu thư của Putin?

28/12/2021 07:03 congluan.vn

Bất chấp những lời đe dọa và lời lẽ gay gắt trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine bị đe dọa, nhà lãnh đạo Nga nói rằng phản ứng của Mỹ đối với yêu cầu của Điện Kremlin về các đảm bảo an ninh ràng buộc pháp lý nhằm xoa dịu tình hình là "tích cực", mặc dù Washington vẫn chưa chính thức phản hồi các đề xuất của Moscow.

Điều đó có nghĩa là Nga thực sự không sẵn sàng xâm lược quốc gia láng giềng Ukraine?

Không nhất thiết. Nếu Ukraine tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện ở Donbass, Moscow có thể sẽ phải can thiệp để bảo vệ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.

Nếu không, phương Tây sẽ coi việc Nga không có phản ứng kiên quyết là một dấu hiệu yếu kém khác và cuối cùng Ukraine có thể tìm cách khôi phục chủ quyền của mình đối với Crimea.

“Tương lai của Donbass phải được quyết định bởi những người sống ở Donbass", ông Putin nói trong cuộc họp báo cuối năm rất được mong đợi của ông.

Người dân Donbass, tất nhiên, đã quyết định tương lai của họ vào tháng 5/2014 khi họ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố "tự trị", hay trên thực tế là độc lập khỏi Ukraine. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, Điện Kremlin từ chối công nhận cuộc trưng cầu dân ý này.

Nhưng trong trường hợp có khả năng xảy ra một cuộc tấn công của Ukraine, Nga có thể thực hiện chiến lược tương tự mà nước này đã sử dụng vào năm 2008 sau khi Gruzia tấn công khu vực ly khai Nam Ossetia của nước này. Moscow đã can thiệp, trục xuất các lực lượng Gruzia khỏi khu vực và công nhận nền độc lập không chỉ của Nam Ossetia mà còn của Abkhazia.

Do phía tây Ukraine có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế lớn hơn nhiều so với Gruzia, nên một hành động như vậy của Nga sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga. Để ngăn chặn kịch bản như vậy, Điện Kremlin hiện đang yêu cầu "đảm bảo an ninh" rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông vào Ukraine.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tại sao Điện Kremlin lại vội vàng như vậy. Vào đầu tháng 10, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã viết một bài báo, trong đó ông chỉ ra rằng “Nga biết cách chờ đợi”, và Moscow nên đợi cho đến khi “những nhân vật lành mạnh” lên nắm quyền ở Kiev và thay thế chính phủ Ukraine hiện tại.

Tuy nhiên, 2 tháng sau, ông Putin gây áp lực buộc Mỹ phải hứa rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Liên minh đã loại trừ bất kỳ sự thỏa hiệp nào đối với "các nguyên tắc chính" của NATO, có nghĩa là phương Tây gần như chắc chắn sẽ không cung cấp "đảm bảo an ninh" mà ông Putin tìm kiếm.

Nga sẽ làm gì trong trường hợp đó?

Vào tháng 8/2016, ông Putin đã cáo buộc Bộ Quốc phòng Ukraine giết một binh sĩ Nga và một sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) ở Crimea, tại biên giới với Ukraine.

Rõ ràng, Ukraine đã cử một nhóm trinh sát đến Crimea, dẫn đến một cuộc đụng độ biên giới ngắn ngủi. Ông Putin nói rằng Nga sẽ "không để những điều như vậy trôi qua", nhưng Moscow chưa bao giờ phản ứng.

Do đó, nếu Ukraine cuối cùng thực sự tiến hành các cuộc khiêu khích lớn ở Crimea, thì phản ứng của Nga có thể không quyết liệt như một số người có thể mong đợi.

Mặc dù Điện Kremlin tuyên bố rằng Ukraine và Mỹ đang chuẩn bị "thực hiện các hành động khiêu khích" có thể bao gồm một cuộc tấn công hóa học, nhưng một kịch bản như vậy có vẻ không thực tế cho lắm. Nga từng có kinh nghiệm tung ra các "thuyết âm mưu" như vậy với Syria.

Ví dụ, vào năm 2017, Moscow cáo buộc Washington dàn dựng một "hành động khiêu khích" ở Syria, trong khi một năm sau, Điện Kremlin tuyên bố rằng phiến quân đang lên kế hoạch tấn công vũ khí hóa học với ý định đổ lỗi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 

Vào tháng 11 năm nay, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng các chiến binh do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có kế hoạch dàn dựng một cuộc khiêu khích và sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường ở quốc gia Trung Đông này.

Song các chuyên gia đều cho rằng dù thế nào thì gần như Mỹ sẽ không đáp ứng các yêu cầu của Nga về việc đảm bảo NATO sẽ không mở rộng về phía đông.