Diễn tập phòng cháy và cứu nạn trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh- Hà Đông

03/07/2022 07:42 Thùy Dương

Công an Thành phố Hà Nội và Hanoi Metro phối hợp diễn tập Phòng cháy chữa cháy tại nhà ga Yên Nghĩa

Sau khi thống nhất phương án với Công an Thành phố Hà Nội (PC07), Hanoi Metro điều chỉnh kế hoạch chạy tàu tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông trong thời gian phục vụ diễn tập chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại nhà ga Yên Nghĩa.
 
Cụ thể lúc 7h00, ngày 02/7, điều lượt tàu 021015 xuất phát có chở khách từ ga Cát Linh đến ga Văn Khê thì đổ hành khách, tàu chạy không hành khách tới ga Yên Nghĩa lúc 7h30 để phục vụ diễn tập.

Cắt điện ray tiếp xúc hai chiều từ ga Yên Nghĩa đến ga La Khê, đoạn đường đảo đầu sau ga Yên Nghĩa từ 7h30 đến 9h30 và chỉ phục vụ chở khách trong khoảng thời gian này từ ga Phùng Khoang đến ga Cát Linh và ngược lại (1 tàu lượt 052018 chạy không khách từ tuyến lên ga Yên Nghĩa, giam ở tuyến lên ga Văn Khê lúc 7h30; 4 tàu còn lại tổ chức điều hành chạy tàu giao lộ nhỏ khép kín, giãn cách 10 phút từ ga Phùng Khoang đến ga Cát Linh).

Tình huống giả định một hành khách mang xăng dầu lên tàu gây cháy nổ

Trong thời gian diễn tâp, Hanoi Metro đề nghị Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường số lượng xe buýt để giải tỏa và trung chuyển hành khách từ Yên Nghĩa đến Phùng Khoang và ngược lại.
 
8h00, sáng 02/7, cuộc diễn tập phòng cháy chữa cháy giữa sự phối hợp của Công an thành phố Hà Nội và Hanoi Metro tại nhà ga Yên Nghĩa diễn ra với tình huống giả định một hành khách mang xăng dầu lên tàu gây cháy nổ. Cuộc diễn tập có sự phối hợp của hàng chục chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và nhân viên nhà ga.

Ngay sau đó cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tiếp cận hiện trường, nạn nhân vụ nổ giả định sẽ được đưa ra bằng cáng

Tại buổi diễn tập, Đại tá Phạm Trung Hiếu Trưởng phòng PC07 cho biết: “Buổi diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy tại đường sắt Cát Linh - Hà Đông mang tính chất đặc thù và hết sức phức tạp. Tuyến đường sắt có lượng hành khách tập trung đông người, những tình huống sự cố rất có thể xảy ra, cho nên thao tác cứu nạn cứu hộ cần được thực hiện thuần thục”.

Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, buổi diễn tập đã cho thấy tính chất an toàn của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cũng qua buổi diễn tập cho thấy lực lượng quần chúng nhân dân tại chỗ, lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an thành phố Hà Nội và nhân viên nhà ga đã được trang bị kỹ năng, cũng như thiết bị hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu với những kịch bản đã được đề ra.

Tình huống giả định cháy ngoài nhà ga cũng được diễn tập

Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết: “Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông được các cấp chính quyền và người dân hết sức quan tâm, đặc biệt là trong công tác phòng chống cháy nổ cũng như cứu hộ cứu nạn. Trong 62 quy trình khẩn cấp đã được diễn tập thì có 10 tình huống liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ.

Trước khi đưa vào hoạt động, chúng tôi đã nhiều lần diễn tập phòng chống cháy nổ tại các nhà ga. Sau mỗi lần diễn tập, những kinh nghiệm sẽ được rút ra, bổ sung vào công tác vận hành để đoàn tàu ngày càng trở nên an toàn hơn’.

Thêm tuyến buýt mới kết nối đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Theo Công ty Cổ phần Xe khách Hà Nội, bắt đầu từ ngày 01/7, đơn vị tổ chức vận hành tuyến buýt số 146: Hào Nam - Khu Liên Cơ - Hào Nam.

Tuyến buýt được kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông tại Hào Nam đến các điểm thu hút hành khách, khu vui chơi giải trí, khu phố cổ Hà Nội, khu vực Liên cơ quan và mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
 
Xe sẽ xuất phát từ Hào Nam (ga Cát Linh) - Giảng Võ - Núi Trúc - Kim Mã - Liễu Giai - Đội Cấn - Bưởi - Võ Chí Công (Khu liên cơ) - Nguyễn Hoàng Tôn - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Hàng Than - Quán Thánh - Hàng Cót - Hàng Lược - Chả Cá - Hàng Cân - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã (Bên trong tòa PTA Kim Mã) - Giảng Võ - Hào Nam (ga Cát Linh).

Phương tiện hoạt động trên tuyến là xe buýt nhãn hiệu Gaz, sức chứa 22 chỗ, nhỏ gọn phù hợp với lộ trình các tuyến phố đi qua

Xe chạy liên tục từ 5h00-22h00 hàng ngày với tần suất 14-15-28-30 phút/lượt, giá vé: 7.000 đồng/lượt (Các loại vé tháng, vé ưu tiên được sử dụng như các tuyến xe buýt nội đô hiện hành). Đáng chú ý, phương tiện hoạt động trên tuyến là xe buýt nhãn hiệu Gaz, sức chứa 22 chỗ, nhỏ gọn phù hợp với lộ trình các tuyến phố đi qua. Xe được trang bị đầy đủ trang thiết bị theo quy định của xe buýt thành phố.
 
Phó Giám đốc Trung tâm Giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, Thành phố dự kiến mở mới 90 -100 tuyến buýt. Trong đó, năm nay Hà Nội sẽ mở 28 tuyến buýt.

Cụ thể, đối với buýt điện, Hà Nội sẽ mở thêm 6 tuyến (tuyến E02, E04, E06, E07, E08, E09) nâng tổng số tuyến xe buýt điện lên 9 tuyến (đến tháng 4/2022 đã mở thêm được 2 tuyến xe buýt điện E02, E06).

Mở mới 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A (dự kiến đưa vào hoạt động trong quý II/2022). Mở mới 17 tuyến buýt khác trong năm 2022 (dự kiến triển khai trong quý III và IV/2022).
 
Cũng theo ông Thái Hồ Phương, việc này sẽ giúp kết nối vận tải khách theo hướng đa phương thức nhằm tăng cường khả năng kết nối, trung chuyển hành khách giữa đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt, tạo thuận lợi cho hành khách khi sử dụng phương tiện công cộng.

Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận, kết nối của xe buýt tới các trung tâm phát sinh nhu cầu: Khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến xe, ga đường sắt đô thị, khu công nghiệp, chung cư…