Giá thép thế giới giảm 9,1% kể từ đầu năm 2022 với biên độ dao động lớn, xu hướng giảm bắt đầu từ tháng 4 khi dịch COVID xuất hiện trở lại tại Trung Quốc, khiến cho chính quyền phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, qua đó ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thép.
Thị trường thép thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu sụt giảm mạnh của thị trường bất động sản do lạm phát cao cộng với lãi suất tăng ở nhiều quốc gia gây sức ép lên khả năng mua nhà của người dân.
Giá thép đã phục hồi vào những tháng cuối năm 2022 khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu nới lỏng một số hạn chế do COVID. Chính quyền Trung Quốc cũng có kế hoạch nới lỏng trần nợ cho một số công ty bất động sản, điều này có thể mang lại sự phục hồi ngắn hạn cho hoạt động phát triển bất động sản đã bị đóng băng trong một thời gian dài.
"Chúng tôi cũng cho rằng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến phục hồi kinh tế toàn cầu và sẽ thúc đẩy tốc độ phục hồi trong bối cảnh Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Giá thép toàn cầu tăng 9,4% trong tháng 12/2022 trước thông tin tích cực về sự phục hồi của Trung Quốc", Báo cáo chiến lược 2023 của Chứng khoán ACB nhận định.
Giá thép Việt Nam cũng có diễn biến tương tự như thế giới, trong đó giá thép xây dựng trong nước đã tăng lên khoảng 14.750 đồng/kg (+5,1%) vào tháng cuối năm 2022.
Mặc dù mặt bằng giá thép xây dựng trong nước hiện tại vẫn còn nhiều biến động và vẫn thấp hơn so với đầu năm 2022 (khoảng 17.500 đồng/kg) nhưng giá thép xây dựng gần đây được cải thiện sẽ giảm bớt áp lực cho hoạt động của các nhà sản xuất thép trong nước.
Bất chấp tình hình chung của thị trường thép Việt Nam, vẫn có một số điểm sáng đối với các nhà sản xuất thép lớn trong nước, đó là các doanh nghiệp lớn đang dần chiếm lĩnh thị phần từ các nhà sản xuất thép nhỏ.
Hòa Phát đã tăng thị phần từ 32% năm 2021 lên 36,2% năm 2022, các nhà sản xuất thép khác như Nam Kim, thép VN hay Đông Á cũng tăng thị phần thêm 1-2% vào năm 2022. Sự gia tăng thị phần của các nhà sản xuất thép lớn đang củng cố thịtrường và giúp các công ty trong ngành có vị thế tốt hơn để phục hồi khi thị trường tích cực trở lại.
Chúng tôi cho rằng trong vòng 2 năm tới lĩnh vực bất động sản có thể phục hồi, kéo theo nhu cầu thép trở lại. Hòa Phát và Nam Kim dự kiến hoàn thành các dự án mở rộng vào cuối năm 2024 - đầu năm 2025 và sản lượng của các công ty này được kỳ vọng sẽ tăng vọt sau khi các dự án này đi vào hoạt động.
Với tình hình hiện tại của thị trường thép Việt Nam, phía ACB kỳ vọng tích cực trong dài hạn vào các nhà sản xuất thép lớn trong nước như Hòa Phát (HSX: HPG) hay Nam Kim (HSX: NKG) trong bối cảnh thời điểm hoặc dự án mở rộng của họ có thể đáp ứng giai đoạn phục hồi của thị trường bất động sản trong vài năm tới. Định giá cổ phiếu ngành thép cũng khá hấp dẫn, khi hầu hết các mã ngành thép đang giao dịch với P/E dự phóng 5x-6x, thấp hơn mức 7,5x-8x trung bình 5 năm.
bình luận (0)