Theo một báo cáo mới của OECD đánh giá về kinh tế Việt Nam, dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế, điều quan trọng hiện nay là phải tiếp tục tiến hành các cải cách để đảm bảo tiến bộ kinh tế và xã hội được liên tục, đồng thời giữ cho nền kinh tế có khả năng phục hồi trước những thách thức trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Chi nhánh Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia của OECD, Vincent Koen đánh giá: "Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam đã mang lại nhiều tiến bộ xã hội đáng chú ý trong những năm gần đây và nền kinh tế của Việt Nam đã có khả năng chống chịu trước những cú sốc. Những cải cách hơn nữa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh và mở rộng hệ thống lương hưu, phúc lợi là cần thiết để Việt Nam tiếp tục đi trên con đường tiến bộ kinh tế và xã hội cũng như được hưởng lợi đầy đủ từ quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu."
Việt Nam đã ghi nhận tỷ lệ nghèo giảm đáng kể trong ba thập kỷ qua, giảm tỷ từ 80% năm 1992 xuống còn 7% ngay trước cuộc khủng hoảng COVID-19. GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của OECD đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ qua, đạt gần 25%.
Tuy nhiên, trong những năm tới, dân số già đi nhanh chóng sẽ bắt đầu gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và tài chính công, đặc biệt khi Việt Nam cần mở rộng phạm vi bao phủ lương hưu công. Để tiếp tục nâng cao mức sống, cần phải tăng nguồn thu thuế để tài trợ cho nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, bao gồm phạm vi bảo trợ xã hội lớn hơn, đồng thời thúc đẩy năng suất lao động và tính năng động kinh doanh cũng như giảm tình trạng phi chính thức của thị trường lao động.
Quá trình chuyển đổi số cũng rất quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai của Việt Nam. Chuyển đổi số có thể mang lại sự phát triển cho các thị trường mới nổi vì chúng có thể áp dụng và phổ biến những xu hướng mới nhanh hơn những lĩnh vực truyền thống. Chính phủ Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu mở rộng nền kinh tế số lên tới 30% GDP vào năm 2030, so với khoảng 7% GDP hiện nay, bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng chất lượng, chính phủ điện tử và khả năng tiếp cận các dịch vụ 5G.
Nghiên cứu của OECD cho rằng, để đạt được những mục tiêu này, điều quan trọng là phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục kỹ thuật và dạy nghề để cải thiện kỹ năng số của người lao động và mở cửa thị trường viễn thông cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng và thực thi luật mới nhằm giảm bớt rào cản đối với sự gia nhập và phát triển của các đối tác nước ngoài.
An Bình
bình luận (0)