Danh mục đầu tư có nên thêm Bitcoin khi áp dụng chiến lược đa dạng hóa?

28/09/2021 08:15 Đức Đặng (Theo The Economist)

Lý thuyết cho rằng một nhà đầu tư hợp lý nên tối đa hóa lợi nhuận của mình so với rủi ro (sự biến động trong lợi nhuận) mà họ đang chấp nhận. Theo lẽ tự nhiên, các tài sản có lợi nhuận cao và đáng tin cậy nên có tỷ trọng lớn trong một danh mục đầu tư hợp lý.

Nhưng thiên tài của Markowitz đã chỉ ra rằng đa dạng hóa có thể làm giảm sự biến động mà không làm mất lợi nhuận. Đa dạng hóa là phiên bản tài chính của câu thành ngữ, nôm na là “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại…”.

Một nhà đầu tư mong tìm mức lợi nhuận cao mà ít biến động có thể không quan tâm đến tiền số, như Bitcoin, vì chúng thường lao dốc và tăng vọt về giá trị. (Thật vậy, trong khi Buttonwood viết bài này, thì đó chính xác là những gì diễn ra với bitcoin, giảm 15% sau đó phục hồi trở lại.)

Nhưng cái nhìn sâu sắc mà ông Markowitz bộc lộ là không nhất thiết mức độ rủi ro của tài sản mới là quan trọng đối với nhà đầu tư, như đóng góp của nó vào sự biến động của danh mục đầu tư tổng thể — và chủ yếu đó là câu hỏi về mối tương quan giữa tất cả các tài sản trong đó.

Một nhà đầu tư nắm giữ hai tài sản có tương quan yếu hoặc không tương quan có thể yên tâm hơn khi biết rằng nếu một tài sản giảm giá trị thì tài sản kia có thể giữ vững vị trí của mình.

Xem xét sự kết hợp của các tài sản mà một nhà đầu tư hợp lý có thể nắm giữ: các chỉ số chứng khoán đa dạng về mặt địa lý; trái phiếu; quỹ bất động sản niêm yết; và có lẽ là một kim loại quý, như vàng. Các tài sản mang lại lợi nhuận tốt nhất - cổ phiếu và bất động sản - cũng có xu hướng biến động theo cùng một hướng cùng một thời điểm.

Mối tương quan giữa cổ phiếu và trái phiếu yếu (khoảng 0,2-0,3 trong mười năm qua), mang lại tiềm năng đa dạng hóa, nhưng trái phiếu cũng có xu hướng tụt hậu khi nói về lợi nhuận. Các nhà đầu tư có thể giảm bớt sự biến động bằng cách thêm trái phiếu nhưng chúng cũng có xu hướng dẫn đến lợi nhuận thấp hơn.

Đây chính là chỗ mà Bitcoin đem đến lợi thế. Tiền số có thể biến động mạnh, nhưng trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của nó cũng có khi đem lại lợi nhuận trung bình cao.

Quan trọng là, nó cũng có xu hướng biến động độc lập với các tài sản khác: kể từ năm 2018, mối tương quan giữa bitcoin và cổ phiếu của tất cả các khu vực địa lý đã nằm trong khoảng 0,2-0,3.

Theo thời gian dài hơn, nó thậm chí còn yếu hơn. Tương quan của nó với bất động sản và trái phiếu cũng yếu. Điều này làm cho nó trở thành một nguồn đa dạng hóa tiềm năng tuyệt vời.

Điều này có thể giải thích sự hấp dẫn của nó đối với một số nhà đầu tư lớn. Paul Tudor Jones, một nhà quản lý quỹ đầu cơ, cho biết ông đặt mục tiêu nắm giữ khoảng 5% danh mục đầu tư của mình bằng Bitcoin. Sự phân bổ này có vẻ hợp lý vì là một phần của danh mục đầu tư đa dạng hóa cao.

Trong suốt bốn khoảng thời gian trong thập kỷ qua mà Buttonwood đã chọn ngẫu nhiên để kiểm tra, một danh mục đầu tư tối ưu chứa phân bổ Bitcoin từ 1-5%. Điều này không chỉ vì tiền số tăng vọt: ngay cả khi một nhà đầu tư chọn Bitcoin trong vài năm đặc biệt biến động, chẳng hạn từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019 (khi nó giảm mạnh), danh mục đầu tư với phân bổ 1% cho Bitcoin vẫn cho thấy phần thưởng cho rủi ro tốt hơn khi không có nó.

Tất nhiên, không phải tất cả các tính toán lựa chọn tài sản nào đều đơn giản. Nhiều nhà đầu tư không chỉ tìm cách quản trị thành công khoản đầu tư của họ mà còn muốn làm đúng cách trong khi đó Bitcoin lại không thân thiện với môi trường. Hơn nữa, để lựa chọn danh mục đầu tư, nhà đầu tư cần thu thập thông tin liên quan về cách chứng khoán có thể hoạt động.

Lợi nhuận kỳ vọng và sự biến động trong tương lai thường được đánh giá bằng cách quan sát cách tài sản hoạt động trong quá khứ. Nhưng phương pháp này có một số sai sót rõ ràng. Hiệu suất trong quá khứ không phải lúc nào cũng cho thấy lợi nhuận trong tương lai. Và lịch sử của tiền số vẫn còn rất ngắn so với các tài sản khác.

Mặc dù ông Markowitz đã đưa ra cách các nhà đầu tư nên tối ưu hóa các lựa chọn tài sản, nhưng ông viết rằng “chúng tôi chưa xem xét giai đoạn đầu tiên: sự hình thành các niềm tin liên quan”. Lợi tức từ việc đầu tư vào cổ phiếu là một phần lợi nhuận của các công ty; từ trái phiếu lãi suất phi rủi ro cộng với rủi ro tín dụng.

Nhưng với Bitcoin thì chẳng rõ điều gì thúc đẩy lợi nhuận ngoài sự đầu cơ. Sẽ là hợp lý khi tin rằng nó có thể không mang lại lợi nhuận trong tương lai. Và nhiều nhà đầu tư có niềm tin triết học gay gắt về Bitcoin – dù rằng nó là sự cứu rỗi hoặc sự chết tiệt. Không bên nào có khả năng nắm giữ 1% tài sản của họ trong đó.