Đằng sau vụ nữ nhân viên bị xâm hại ở Alibaba: Vì sao một tổ chức khổng lồ lại biến thành một bộ máy thờ ơ và hoạt động kém hiệu quả?

10/08/2021 07:35 Lily/ Jieman News

Gần đây, một bài viết của nhân viên được đăng trên mạng nội bộ của Alibaba được đẩy lên đầu sóng ngọn gió.

Vào ngày 7 tháng 8, một nữ nhân viên làm việc tại Taoxianda thuộc Alibaba đã đăng bản tố cáo trên mạng nội bộ nói rằng trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 7 đến ngày 26 tháng 7 cô được lãnh đạo trực tiếp là Vương Thành Văn yêu cầu đi Tế Nam công tác. Sau đó, vào ngày 27 tháng 7, nhân viên này vội vã đến Tế Nam, được yêu cầu tham gia một bữa ăn tối và uống rượu, sau khi say rượu, cô đã bị thương gia Trương Quốc quấy rối và bị lãnh đạo Vương Thành Văn xâm hại.

Theo bản tố cáo của nhân viên này, thì cô đã báo cáo vụ việc với các lãnh đạo Taoxianda, HRG và Giám đốc kinh doanh cấp P10 của Tập đoàn Alibaba vào ngày 2 tháng 8 sau khi đã gọi cảnh sát, và đưa ra yêu cầu “đuổi việc Vương Thành Văn, và các công ty trong hệ thống của Alibaba không bao giờ tuyển dụng anh ta nữa”.

Tuy nhiên, yêu cầu của cô ấy không những không nhận được phản hồi, mà một cấp trên nói rằng toàn bộ chuyện này là "vấn đề kinh doanh", "đã bắt đầu có ý chỉ tuyển dụng nam chứ không tuyển nữ", và "cô nghĩ rằng nếu không uống rượu, thì có bàn được chuyện làm ăn với công ty Hualian Tế Nam và một số thương gia phương bắc không?” v.v...

Nhất thời, dư luận dậy sóng. Bên cạnh sự tức giận với bản thân vụ việc, thái độ của Alibaba với tư cách là một công ty trong vụ việc đã bị cư dân mạng chỉ trích nặng nề: Theo lời kể của người này, sau khi sự việc bị trì hoãn 5 ngày và không nhận được phản hồi hợp lý, cô ấy bắt đầu phân phát các biểu ngữ và tờ rơi trong nhà ăn của Alibaba, nhưng nhanh chóng bị an ninh đuổi ra ngoài.

Khi sự việc tiếp tục sôi sục trên mạng xã hội, Alibaba đã lần lượt phản hồi. Kết quả mới nhất là Trương Dũng, chủ tịch kiêm CEO của hội đồng quản trị Alibaba, đã thông báo trên mạng nội bộ của Alibaba về kết quả điều tra nội bộ và quyết định xử lý sự việc liên quan đến “nữ nhân viên bị xâm phạm” theo từng giai đoạn.

Tại thời điểm này, những nghi vấn về văn hóa và hệ thống quản lý của Alibaba đã thu hút sự chú ý từ bên trong và bên ngoài công ty. Trương Dũng cho biết trong một thông báo trên mạng nội bộ, "Sự chú ý cao độ của mọi người đối với vụ việc không chỉ là sự cảm thông và quan tâm đến người bị hại, mà còn là nỗi buồn khi phản ánh các vấn đề văn hóa đằng sau Alibaba."

Alibaba được thành lập vào năm 1999. Sau 22 năm phát triển nhanh chóng, nó đã trở thành một công ty khổng lồ với hơn 250.000 nhân viên. Việc quản lý một tổ chức tầm cỡ này đòi hỏi giá trị quan và hệ thống nhân sự vững chắc, nhưng rõ ràng Alibaba đã không làm tròn trách nhiệm ở cả hai khía cạnh này, ít nhất là trong vụ việc này.

Trên thực tế, Alibaba chú trọng đến các giá trị không thua bất kỳ doanh nghiệp lớn nào. “Tất cả các quyết định chính của Alibaba không phải là về tiền bạc, mà là về giá trị.” Jack Ma, người sáng lập Alibaba từng nói. Thái độ này xuyên suốt quá trình phát triển của Alibaba, mặc dù nó đã từng bị nghi ngờ.

Năm 2001, Jack Ma cùng với Thái Sùng Tín, Ngô Quýnh, Quan Minh Sinh và Bành Lôi, đã viết ra các giá trị của Alibaba: đam mê, đổi mới, cùng tiến bộ, cởi mở, đơn giản, làm việc theo nhóm, tập trung, chất lượng, khách hàng là trên hết; Vào năm 2019, Alibaba công bố các giá trị mới, bao gồm "khách hàng là số một, nhân viên là thứ hai, cổ đông là thứ ba", "vì tin tưởng, nên đơn giản", "điều duy nhất không thay đồi chính là không ngừng đổi mới", "hiệu suất tốt nhất của ngày hôm nay là yêu cầu thấp nhất của ngày mai", “Tại thời điểm này, chỉ thuộc về tôi”,“Nghiêm túc sống, vui vẻ làm việc”.

Không khó để thấy rằng Alibaba nhấn mạnh “khách hàng là trên hết” là nhất quán. Điều này có thể liên quan đến gen của Ali trong giai đoạn đầu chiếm lĩnh thị trường: Alibaba bắt đầu từ To B, đã có lô khách hàng thương mại điện tử đầu tiên. Kể từ đó, Alibaba đã đặt ra một quy tắc, đánh giá văn hóa và giá trị doanh nghiệp là 50% hiệu quả hoạt động, được lượng hóa thành chỉ số cụ thể.

Tất nhiên, kiểu đánh giá giá trị này không phải chỉ có ở Alibaba, một công ty khác là Huawei cũng đã đào tạo văn hóa cho nhân viên của mình trong hai tháng. Một nhân viên đã gia nhập Huawei vào năm ngoái nói rằng công ty sẽ thực hiện các bài giảng chuyên sâu và thực hiện một tuần đào tạo các giá trị.

Nhưng câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh “khách hàng là trên hết”, liệu sự tôn trọng và thấu hiểu đối với nhân viên có quan trọng như chính doanh nghiệp? Trong quá trình phát triển của tổ chức, các giá trị phải phát huy vai trò như thế nào?

Một doanh nhân 8x từng làm việc trong một công ty Internet lớn nói với Jiemian News rằng trong những ngày đầu của Alibaba, nhiều người không muốn đến với Alibaba vì họ trả lương không cao vào thời điểm đó, công việc lại vất vả. Điều khác biệt so với bây giờ là vào thời điểm đó, sinh viên đại học từ các trường đại học hàng đầu đổ xô đến các công ty nước ngoài, và Ali không nổi tiếng như bây giờ. "Ở giai đoạn đó, những người cũ của Alibaba đều làm việc chăm chỉ, và họ cũng cảm thấy rằng đây là điều họ phải làm."

Doanh nhân nói trên cho rằng những nhân viên sau này vào làm Alibaba không còn tư duy và cách làm như người cũ. Ngay cả khi không có vấn đề gì với các giá trị, công ty cũng nên cải thiện việc quản lý công ty trong các quy tắc và hoạt động thực tế, có tính đến nhu cầu của nhân viên ở các độ tuổi khác nhau.

Trong quá trình này, Bộ phận nhân sự nên đóng vai trò cốt lõi là tìm kiếm và tuyển dụng con người, nhưng một nhân viên đã từ chức ở Alibaba nói với Jiemian News rằng trong thời gian làm việc tại Alibaba, vai trò của bộ phận nhân sự thực sự rất nhỏ, "chỉ còn là một công cụ cho các nhà quản lý".

Điều đáng chú ý là trong vụ việc này, vấn đề hệ thống nhân sự cũng được người trong cuộc Alibaba nhắc đến nhiều lần.

Trong thông báo trên mạng nội bộ được phát đi sáng sớm nay, Trương Dũng cho biết trong toàn bộ quá trình xử lý sự cố, đội ngũ nhân sự đã không quan tâm và chăm sóc mọi người đầy đủ, quá lý trí, ít tình cảm và thiếu sự đồng cảm. Ông nhấn mạnh, “Đằng sau tất cả những hiện tượng này là những vấn đề lớn trong hệ thống văn hóa nhân sự và nâng cao năng lực.”

Ngoài ra, sau khi sự việc bị phanh phui, các nhân viên của Alibaba đã tự phát thành lập một nhóm hỗ trợ tên là "Nhóm hỗ trợ không ngại khó khăn", cố gắng sử dụng nỗ lực chung của các nhân viên để thúc đẩy một cuộc điều tra kỹ lưỡng về chân tướng của sự việc, đưa ra các đề xuất và thúc đẩy việc thực hiện các thay đổi sinh thái của Alibaba. Vào tối ngày 8 tháng 8, hơn 6000 nhân viên Alibaba tham gia nhóm đã phát biểu trong đề xuất chung rằng họ hy vọng sẽ giới thiệu một hệ thống chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của nhân viên nữ, đề xướng nhân sự không chỉ hướng đến con người, CPO thiết lập cơ chế giao tiếp lâu dài với nhân viên, v.v.

Nhân viên từ chức nêu trên cho biết trong thời gian tuyển dụng, tất cả các cuộc trò chuyện mà Bộ phận nhân sự thực hiện với họ đều được trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp. "Trên thực tế, bộ phậnnhân sự chủ yếu phục vụ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và nhiều thứ chỉ là quy trình."

Khi cô có khoảng cách với cấp trên, bộ phận nhân sự đã không làm tốt vai trò hòa giải, “về cơ bản thì chuyện cũng như không.” Cô nhân viên này nói.

Điều khiến văn hóa và hệ thống quản lý của công ty một lần nữa bị nghi ngờ là, sau sự việc này, một mẩu tin về "văn hóa phá băng của Alibaba" đã xuất hiện trên thang tìm kiếm của Weibo. Một số cư dân mạng cho rằng, trong trò chơi "phá băng" được Alibaba bồi dưỡng khi nhậm chức, có người đã hỏi cô gái câu hỏi "lần đầu tiên là khi nào?" Sau đó, Alibaba trả lời rằng ảnh chụp màn hình " văn hóa phá băng của Alibaba " là một tin đồn năm 2018.

Một nhân viên Alibaba được Jiemian News phỏng vấn nói rằng bản thân chưa trải qua “văn hóa phá băng”, nhưng cô đã nghe những điều tương tự từ các đồng nghiệp ở các bộ phận khác. Theo quan điểm của cô, một số vị trí nhất định, chẳng hạn như điều hành, đòi hỏi nhiều công việc bên ngoài và KPI kinh doanh tương đối nặng, nơi mà các nhà lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối, thì nhiều vấn đề về hệ thống sẽ nảy sinh hơn.

Theo thông tin công khai, Alibaba đã từng thiết lập một vòng gọi là “đánh hơi” trong buổi phỏng vấn, trong buổi phỏng vấn tuyển dụng, bộ phận nhân sự sẽ cử một nhóm nhân viên đã làm việc tại Alibaba hơn 3 năm để trò chuyện với ứng viên để phán đoán xem họ có hòa nhập được vào văn hóa của Alibaba trong tương lai hay không.

Một người xin việc nói với Jiemian News rằng anh ấy không phải trái qua khảo sát như thế, mà trong cuộc phỏng vấn, thông điệp chính từ cấp trên tương lai của anh ấy là công việc của Alibaba rất vất vả, nhưng thăng tiến rất nhanh, trong khi bộ phận nhân sự của Alibaba mô tả nhân viên mà họ muốn như thế này: "Rắn chắc". Theo lý giải, thì đó là yêu cầu nhân viên không ngại khổ, không sợ lãnh đạo phê bình, đây là điều quan trọng nhất của “cuộc khảo sát”.

Khi hệ thống sàng lọc này được triển khai trong các nhiệm vụ cụ thể, các vấn đề bắt đầu trở nên nổi bật. Một nhân viên cấp cao của Alibaba nói với Jiemian News rằng khi Alibaba vẫn cần viết báo cáo hàng tuần, nhân viên phải viết cho đẹp cả những việc nhỏ mà họ làm, để lãnh đạo biết rằng bạn đang làm việc. Anh ấy tin rằng ở Alibaba, hiệu suất không phải là tất cả, "bạn cũng cần có khả năng trở thành quản lý”.

Một hiện tượng đáng suy ngẫm là trong sự việc này, cảm giác vừa tức giận, vừa muốn giữ vững hình ảnh của công ty đã lan rộng trong “những người Alibaba”.

Nhân viên Alibaba nói trên nói với Jiemian News rằng cô ấy đã xem các cuộc thảo luận trên mạng nội bộ từ tối ngày 7 tháng 8 và khi thấy rất nhiều câu trả lời công khai ủng hộ dưới bài đăng tố cáo, "Có một cảm xúc rất phức tạp. Một mặt, nó cảm động trước sự quyết tâm của mọi người. Mặt khác, nó hơi buồn. Đây có phải là cách duy nhất để giải quyết vấn đề không? "

Khi cô ấy nhìn thấy Alibaba bị chửi rủa trong phần bình luận tin tức, cô ấy khó liên kết những điều này với nơi mà cô ấy đang làm việc. "Nhóm của tôi, cả đồng nghiệp và lãnh đạo, đều rất tôn trọng phụ nữ. Ngay cả trong những cuộc trò chuyện nhỏ, họ cũng rất chú ý đến cách họ nói. Tôi cũng không muốn sự tồn tại của một số người được “đại diện” cho những con người thân thiện và tự tế".

Trong tình huống này, sự đau lòng và tức giận của những người trong cuộc đối với công ty phản ánh chính xác sự “thất bại” trong hệ thống giá trị của Alibaba. Và điều này đáng để tất cả các doanh nghiệp lớn phải cảnh giác.