Đại biểu Quốc hội đề nghị miễn, giảm thuế sâu hơn và kéo dài hơn

03/06/2022 10:45 congluan.vn

Không hỗ trợ cào bằng mà có chọn lọc, ưu tiên để đảm bảo hợp lý

Ngày 2/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, phát biểu ý kiến tại hội trường, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) bày tỏ vui mừng khi đất nước kiểm soát được đại dịch COVID-19 và kinh tế - xã hội dần phục hồi với nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, vẫn còn đó những điều đáng lo ngại do ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn cùng với những bất ổn của tình hình thế giới, xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến tình hình trong nước.

Đại biểu Lê Minh Trí cho biết, hiện nay người dân và doanh nghiệp rất khó khăn. Giá cả tăng cao nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước tình hình đó, đại biểu đánh giá cao chính sách miễn giảm thuế là một quyết sách đúng, kịp thời để góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.

Để chính sách này tiếp tục phát huy hiệu quả, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu đánh giá bổ sung việc miễn giảm thuế sâu hơn không chỉ 2% và kéo dài thời gian áp dụng không chỉ trong năm 2022 mà có thể hai năm hoặc dài hơn.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh).

Đại biểu cũng nhấn mạnh việc chọn những khu vực, lĩnh vực, đối tượng bị tác động nặng nề nhất để hỗ trợ. Đại biểu nêu rõ, lựa chọn đúng đối tượng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế, để thúc đẩy, dẫn dắt chung nền kinh tế. Đại biểu nêu rõ: “Không hỗ trợ cào bằng mà có chọn lọc, ưu tiên để đảm bảo hợp lý. Lựa chọn khu vực, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hiệu quả, có khả năng phục hồi nhanh và có vai trò quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, hàng năm có đánh giá điều chỉnh phù hợp”.

Để những quyết sách đúng đắn nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và người dân được tiếp cận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, cần có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ các bộ, ngành có liên quan đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; cần có tiến độ cụ thể, có đánh giá hàng tháng, quý. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội cần có biện pháp giám sát hiệu quả kết quả thực hiện, không để triển khai chậm.

Chủ trương đúng nhưng cách làm có sơ hở, có sai

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Minh Trí cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết chống trốn thuế, chống chuyển giá; đồng thời có chủ trương chỉ đạo tăng cường cuộc đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu.

Trước thực tế một số vụ án trong ngành y tế dẫn đến việc tổ chức đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế đang bị đình trệ, việc thực hiện hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn xã hội cũng dừng lại. Đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí cho rằng, đây là chủ trương đúng nhưng cách làm có sơ hở, có sai.

“Sai thì sửa nhưng cần phải tiếp tục làm, bởi nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhân dân trong khám, chữa bệnh”, đại biểu Lê Minh Trí nói.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Quốc hội và Chính phủ nên có chỉ đạo các cơ quan, các ngành có liên quan ban hành nhanh văn bản hướng dẫn để tháo gỡ ngay những vấn đề bất ổn trong lĩnh vực này.

“Theo đó, sớm chỉ đạo rà soát, tháo gỡ nhanh những vướng mắc, bất cập phát sinh. Cần phải kịp thời ban hành bổ sung những quy định pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo bịt những lỗ hổng trong quản lý, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển, vừa phục vụ tốt hơn cho Nhân dân; và cũng cần bổ sung, tạo hành lang pháp lý để đảm bảo cho người thực hiện nhiệm vụ được an tâm”, đại biểu Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Xem xét năng lực hấp thụ vốn để đánh giá hiệu quả đầu tư

Tranh luận tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) đưa ra ý kiến về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Đại biểu chỉ ra rằng, bên cạnh các giải pháp của Chính phủ thì cần xem xét năng lực hấp thụ vốn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả đầu tư. Do đó, cần nhanh chóng xây dựng và triển khai hiệu quả các biện pháp cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Theo đại biểu, việc tuân thủ thành lập tổ công tác rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn và từ ngay các quy định của pháp luật có liên quan đến đầu tư là một giải pháp cần thiết. Việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư, huy động nguồn lực không chỉ ở lĩnh vực công mà còn ở ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển trong thời gian tới. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp thiết; và quan trọng là việc tổ chức thực hiện.

Đại biểu Trần Chí Cường đánh giá cao sự quyết liệt, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, chồng chéo từ các quy định của hệ thống văn bản pháp luật để thúc đẩy đầu tư kinh doanh. Kết quả bước đầu, đã có 88 vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư được hướng dẫn, chính là những vướng mắc các địa phương gặp phải trong thời gian qua.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các dự án sau kết luận thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, qua đó khơi thông vướng mắc, triển khai dự án, đáp ứng mong mỏi của địa phương, doanh nghiệp. Cử tri ủng hộ và mong rằng cách làm đó tiếp tục được phát huy, là cách thức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.