Cùng có 200 triệu nhưng: Thế hệ trước thích “ăn chắc mặc bền”, Gen Z ôm đi chơi chứng khoán vì chê lãi gửi tiết kiệm quá thấp

26/10/2021 10:33 toquoc.vn

Có ai còn nhớ ống heo huyền thoại ngày nào không? Hồi còn bé, mình nhớ là mỗi lần Tết đến được ông bà, người thân mừng tuổi chỉ 20k, 50k thôi cũng mừng rơi nước mắt rồi. Có tiền lại nhét lợn để dành, dành dụm sau 1 - 2 năm gì đó thì "đập" lợn để mua quần áo, sách vở.

Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Bây giờ đời sống ngày càng hiện đại, dư dả hơn. Gen Z không còn "đập" lợn nữa mà chuyển sang "đập hộp" hết cả rồi. Không còn cần phải chắt chiu, dành dụm những khoản tiền siêu nhỏ, thói quen phóng khoáng đã ảnh hưởng khá lớn đến việc chi tiêu cũng như đầu tư của giới trẻ.

Nếu có trong tay khoảng 200 triệu, chúng ta sẽ làm gì? Tôi nhận được những câu trả lời khá đa dạng nhưng có thể chia thành hai xu hướng khá rõ ràng:

7X, 8X đầu tư vào nhà đất, gửi ngân hàng rút lãi

Chị Phùng Thị Thêu, 35 tuổi, là một nhân viên HR chị cho biết nếu có trong tay 200 triệu, chị sẽ gửi ngân hàng để rút lãi.

Theo chị Thêu, gửi ngân hàng là phương thức giữ tiền an toàn nhất: "200 triệu là một con số không hề nhỏ. Lương văn phòng như mình chắc phải tích cop bao năm mới được số tiền như vậy. Với mình, an toàn là trên hết và các ngân hàng có thể đảm bảo được điều đó".

Cùng có 200 triệu nhưng: Thế hệ trước thích “ăn chắc mặc bền”, Gen Z ôm đi chơi chứng khoán vì chê lãi gửi tiết kiệm quá thấp - Ảnh 1.

Chị Phùng Thị Thêu

Trong khi đó, với "máu kinh doanh" sẵn trong người, anh Bùi Văn Cẩm, 40 tuổi, chủ một quán cafe tại thành phố Hải Dương cho biết anh sẽ tích cóp thêm để đầu tư vào các bất động sản (nhà, đất) tiềm năng. "Nhà đất vẫn đang tăng giá từng ngày, do đó, về lâu dài, bất động sản sẽ là kênh đầu tư tiềm năng", anh Cẩm nói.

Cùng có 200 triệu nhưng: Thế hệ trước thích “ăn chắc mặc bền”, Gen Z ôm đi chơi chứng khoán vì chê lãi gửi tiết kiệm quá thấp - Ảnh 2.

Anh Bùi Văn Cẩm

9X, 10X liều mình cầm 200 triệu chơi chứng khoán

"Lãi suất của ngân hàng quá thấp, đầu tư bất động sản cần vốn lớn, nếu có trong tay 200 triệu, mình sẽ trích một phần để đầu tư chứng khoán", Minh Khang (25 tuổi), hiện đang làm nhân viên xuất nhập khẩu làm việc tại Hà Nội chia sẻ.

Cậu bạn cho rằng chỉ cần chịu khó tìm hiểu, mình có thể kiếm được lợi nhuận nhiều hơn mà không cần phải bỏ ra số vốn ban đầu quá lớn.

Thị trường chứng khoán cũng giống như tâm trạng của một cô gái - thất thường, "sáng nắng chiều mưa". Nó có thể đem lại cho bạn rất nhiều tiền nhưng cũng có thể rút cạn vốn của bạn chỉ trong tích tắc.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bạn trẻ đặc biệt là thế hệ Z đổ tiền vào kênh đầu tư mang tính biến động này. Tại sao lại như vậy? Điều này có lẽ do tâm lý, quan niệm chung của thế hệ trẻ ngày nay thực sự khác biệt rất lớn so với thế hệ trước.

Cùng có 200 triệu nhưng: Thế hệ trước thích “ăn chắc mặc bền”, Gen Z ôm đi chơi chứng khoán vì chê lãi gửi tiết kiệm quá thấp - Ảnh 3.

Minh Khang

Khang cho biết cậu bạn bắt đầu tập tành chơi chứng khoán từ khi còn ngồi trên giảng đường với số tiền đầu tư được cậu bạn trích từ việc đi làm thêm.

"Kiến thức đầu tư là do mình tự tìm hiểu thông qua các trang tin tức cũng như các mạng xã hội. Thông tin hiện nay vô vàn, quan trọng là mình lựa chọn như thế nào thôi" - Hiện tại, các khoản đầu tư của Khang đã bắt đầu sinh lời.

Cũng giống như Khang, Huyền, một sinh viên mới ra trường (22 tuổi) tham gia hình thức đầu tư này từ khá sớm. Tuy nhiên, phong cách chơi "trứng" của cô nàng khá ngổ ngáo. Mặc dù thừa nhận bản thân mới chỉ là F0 (người mới) trong thị trường chứng khoán nhưng thời gian đầu, cô nàng rất "chăm" giao dịch.

Huyền thực hiện 3 - 4 giao dịch trong tuần. Mặc dù biết càng giao dịch nhiều, nguy cơ "mất máu" càng cao nhưng Huyền cho biết tâm lý ăn xổi, muốn lãi nhanh khiến cô nàng không kiềm chế được.

Cùng có 200 triệu nhưng: Thế hệ trước thích “ăn chắc mặc bền”, Gen Z ôm đi chơi chứng khoán vì chê lãi gửi tiết kiệm quá thấp - Ảnh 4.

Huyền

Sinh ra trong giai đoạn bùng nổ của mạng xã hội, các công nghệ mới, giới trẻ có cơ hội tiếp cận được những nguồn thông tin đa dạng hơn và cực kỳ nhạy bén với những điều mới mẻ. Đó là bản lĩnh.

Tuy nhiên, vì cho rằng mình "hiện đại" hơn, thế hệ trẻ cũng dễ dàng đưa ra những quyết định liều lĩnh hơn. Sự tự tin thái quá đôi khi là con dao hai lưỡi. Nó ảnh hưởng rất lớn đến loại hình đầu tư của họ. Và thị trường chứng khoán đầy biến động với khả năng sinh lời cao là sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ.

Điều này không có nghĩa là các thế hệ "dừ" hơn sẽ không đầu tư vào chứng khoán.

Tuy nhiên, không gia nhập thị trường với tâm thế một mất một còn, họ lựa chọn đầu tư vào những mã có tính rủi ro thấp hơn, bền vững hơn mặc dù lợi nhuận có thể không cao.

Mặc dù việc dành thời gian để xây dựng một quỹ đầu tư có ý nghĩa tích cực nhưng các nhà đầu tư Gen Z lại thực hiện một cách tiếp cận khá rủi ro, điều có thể khiến quá trình đầu tư của họ kết thúc trong nước mắt.

Một nghiên cứu mới của Barclays Smart Investor (một dịch vụ đầu tư trực tuyến) chỉ ra rằng nhiều Gen Z đang tiến hành làm giàu nhanh chóng bằng cách đầu tư ngắn hạn.

Cụ thể, gần một nửa (49%) những người trong độ tuổi 18 - 24 dự định đầu tư trong khoảng 2 - 5 năm. Hơn 1/5 (21%) nói rằng họ chỉ đang đầu tư để "tận dụng những lợi thế của thị trường" và 16% dự định chơi "lướt sóng" để kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Đầu tư hay đầu cơ?

So với năm ngoái, 25% nhà đầu tư thế hệ Z thừa nhận họ thường xuyên kiểm tra danh mục đầu tư của họ, 17% thực hiện giao dịch thường xuyên và 14% thừa nhận rằng họ đang đầu cơ hơn là đầu tư.

Ông Rob Smith, Trưởng bộ phận Tài chính tại Barclays Wealth cho biết: "Thật tốt khi thấy ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm đến đầu tư nhưng cũng thật đáng lo ngại khi nhiều Gen Z đang tìm kiếm những khoản lợi nhuận trong ngắn hạn hơn là đầu tư thông qua một danh mục đầu tư hợp lý". Cũng theo ông Smith, các khoản lỗ đáng kể trong đầu tư sẽ có tác động không nhỏ đến tâm trạng, cuộc sống và tương lai của họ.

Lại nói tâm trạng khi chơi chứng khoán, do Khang lựa chọn phương pháp đầu tư dài hạn nên sự biến động của thị trường không ảnh hưởng quá nhiều đến tâm trạng của cậu bạn.

Cùng có 200 triệu nhưng: Thế hệ trước thích “ăn chắc mặc bền”, Gen Z ôm đi chơi chứng khoán vì chê lãi gửi tiết kiệm quá thấp - Ảnh 5.
 

Về phần Huyền, kể từ khi "dấn thân" vào thế giới chứng khoán, niềm vui, nỗi buồn của cô bạn cũng nhảy nhót theo từng cây nến xanh đỏ của thị trường.

Sau không ít lần "khô máu" với thị trường, cô nàng quyết định cai chứng "nghiện" giao dịch của mình và chịu khó tìm hiểu kỹ hơn trước khi quyết định đầu tư.

Thị trường có tăng cũng sẽ có giảm, việc đầu tư trong ngắn hạn dễ khiến các nhà đầu tư Gen Z thua lỗ hơn là lãi và không kịp trở tay khi thị trường có những cú “quay xe” bất ngờ.

Theo các chuyên gia, một trong những quy tắc vàng để đầu tư là nắm giữ những mã cổ phiếu đã mua ít nhất 5 năm, khoảng thời gian hợp lý để giúp các nhà đầu tư vượt qua bất kỳ sự sụt giảm nào trên thị trường.

Tạm kết:

Khi bạn "all in", tất tay với thị trường, nếu may mắn bạn có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng đừng quên thị trường cũng có thể tất tay với bạn, khiến bạn ra về tay trắng.

Dù ở lứa tuổi nào, chìa khóa để đầu tư thành công là xây dựng một danh mục đầu tư cân bằng. Hãy tìm hiểu, trau dồi kiến thức trước khi đầu tư, đừng để bản thân trở thành F0 của thị trường chứng khoán, khi đi hết mình khi về hết hồn!