Luật Nhà ở 2023 với nhiều quy định mới, trong đó có việc ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội: Vẫn được lợi nhuận là 10%, còn đối với phần 20% đất để xây dựng nhà ở thương mại hoặc kinh doanh công trình dịch vụ thương mại, thì chủ đầu tư sẽ phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần đất này, nhưng được kinh doanh tự do và hưởng lợi nhuận.
Nới điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội
Theo ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), so với Luật Nhà ở năm 2014, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội (NOXH), thay vì các đối tượng thụ hưởng phải bảo đảm 3 điều kiện về cư trú, thu nhập và nhà ở thì Luật mới đã phân ra các nhóm, tùy theo hình thức được thụ hưởng chính sách mà các điều kiện sẽ khác nhau.
Đối với các ưu đãi cho chủ đầu tư NOXH vẫn được lợi nhuận là 10% phần đầu tư xây dựng; còn đối với phần 20% đất để xây dựng nhà ở thương mại hoặc kinh doanh công trình dịch vụ thương mại thì chủ đầu tư sẽ phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần đất này nhưng được kinh doanh tự do và hưởng lợi nhuận. Như vậy, về cơ bản, lợi nhuận của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ cao hơn so với quy định của Luật Nhà ở trước đây.
Ông Trương Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng, những quy định mới của Luật là cú hích rất quan trọng không chỉ với chủ đầu tư, người dân, các đối tượng thuê nhà mà còn là cú hích cho cả thị trường BĐS.
Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, để sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn và đảm bảo chất lượng. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) sớm hơn, có thể là từ tháng 7/2024, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).
Theo giới chuyên gia, để Luật triển khai hiệu quả, khi xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn phải rất chi tiết để luật đi vào thực tiễn thông suốt.
Phát biểu tại tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực thi”, bà Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh việc bãi bỏ những quy định không cần thiết như điều kiện về nhà ở và thu nhập là hợp lý. Điều quan trọng là thực thi trên thực tế, như việc người dân làm thế nào để lấy được xác nhận về thu nhập; xác nhận chưa có nhà ở. Bởi, cơ sở dữ liệu về nhà ở sở hữu đã có nhưng lại không liên thông, không có kết nối, chia sẻ, thành ra thiếu thông tin nên UBND phường rất khó xác nhận.
“Chính sách có rồi, mục đích làm Luật là hướng tới bảo đảm nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhưng khả thi hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức của địa phương” - bà Nguyên nói và cho rằng thực tế để người dân có được giấy xác nhận về thu nhập và xác nhận chưa có nhà không hề đơn giản.
Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng cho rằng dù đã rất tích cực tham gia xây dựng NOXH nhưng vẫn băn khoăn về việc cấp giấy chứng nhận, bởi khi chủ đầu tư vay ngân hàng thì phải đáp ứng những điều kiện chặt chẽ. Một trong những điều kiện là phải có tài sản thế chấp và có giấy chứng nhận. Nếu cấp chung giấy chứng nhận cho khu đất NOXH sẽ vướng rất lâu.
Trước đề nghị việc cấp riêng giấy chứng nhận của 20% đất thương mại trong các dự án NOXH ưu đãi cho chủ đầu tư, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; bảo đảm thông tư hướng dẫn được ban hành cùng thời điểm của Nghị định. Đặc biệt, thông tư liên quan đến phần NOXH lần này sẽ không có quy định về nội dung mà chỉ có các mẫu giấy tờ liên quan đến xác nhận về đối tượng, về điều kiện thu nhập, điều kiện về nhà ở.
“Phá băng” gói tín dụng
4 tháng đầu năm 2024 kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy trên cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,07% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 61,20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà không có những thách thức. Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn thách thức. Tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư của khu vực tư nhân trong một số lĩnh vực còn khó khăn. Số DN rút khỏi thị trường còn cao. Thị trường BĐS bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết, nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NOXH còn chậm.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng chưa ổn định, sức ép lạm phát và lãi suất ở một số nền kinh tế dự báo có thể tiếp tục duy trì ở mức cao, để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí tiếp cận vốn tín dụng cho DN, người dân. Có giải pháp khơi thông gói tín dụng NOXH.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cần giải pháp để khơi thông sự ách tắc của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NOXH. Bởi tiền đã có nhưng việc giải phóng mặt bằng, bán và xét duyệt thủ tục thuộc trách nhiệm của nhiều bộ, ngành. Do đó các bộ, ngành cần tiếng nói thống nhất trong việc cấp đất, xây dựng, phân phối nhà, và định giá.
“Bây giờ làm ra nhưng không tiêu thụ được. Không tiêu thụ được không phải do người dân không có nhu cầu, bởi đang rất cần nhà. Thế nhưng giá “trên trời”, chi phí do nhiều thứ cộng lại nên công nhân, người lao động có thu nhập thấp không mua được. Cho nên gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NOXH còn tắc, và giải ngân chậm. Nếu khai thông được gói này sẽ tháo gỡ được rất nhiều vấn đề cho nền kinh tế. Vừa tạo công ăn việc làm, tạo cho người dân có thu nhập, tạo ra lợi ích xã hội, thúc đẩy tiêu dùng, giảm áp lực lạm phát xuống, góp phần tăng trưởng GDP. Không chỉ riêng nền kinh tế mà vấn đề quan trọng nhất chính là người lao động có thu nhập thấp không có nhà đang rất nhiều, họ tha thiết mong muốn được có nhà” - ông Kiêm nói.
Ông Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) lưu ý, nếu kiểm soát quá chặt chi tiêu sẽ không kích thích được kinh tế, vì trong nền kinh tế vĩ mô cần “kích cầu”. Nghĩa là chi tiêu nhiều để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thế nhưng chi tiêu cũng ở trong ngưỡng nào đó để tránh xảy ra lạm phát vượt quá 4,5%. Cho nên trong kinh tế vĩ mô cần tăng thu và đảm bảo cân bằng tài chính công, tăng thu để tăng chi.
Về tăng thu, theo ông Huân vừa qua chủ yếu tăng ở khu vực công chứ không tăng ở khu vực tư do DN tư nhân đang rất khó khăn, sản xuất chưa ổn định. Do đó khu vực công cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% thì cả năm 2024 giảm thu hơn 47 nghìn tỷ đồng. Khi giảm thu ngân sách sẽ thắt chặt chi tiêu để đảm bảo cân bằng tài chính công phần nào làm kinh tế phát triển chậm lại. Thành ra giảm thuế 2% chỉ nên trong ngắn hạn để hỗ trợ cho DN. Còn nếu dài hạn sẽ không tốt cho nền kinh tế. Bởi nhà nước không có tiền chi cho đầu tư phát triển.
“Cho nên giảm thuế giá trị gia tăng là cực chẳng đã. DN phấn khởi nhưng nền kinh tế chung chịu hậu quả. Do đó chính sách tài khoá tiền tệ chỉ ngắn hạn trong vòng 1-2 năm. Nếu áp dụng kéo dài sang năm thứ 3-4 trở đi là không tốt. Cho nên phải tăng thu, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, cần chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp trình xin ký phê duyệt dự án rất chậm, từ đó khiến kinh tế càng chậm phát triển do bị bó chặt - ông Huân nói và thêm rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NOXH hiện nay tốc độ giải ngân rất chậm.
Theo ông Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), có tiền mà không tiêu được là do cơ chế. Hiện chúng ta đang đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nên có việc tại một số nơi cán bộ e ngại, vừa làm vừa nghe ngóng, không dám ký, phê duyệt dự án mới. Cho nên phải phát huy vai trò năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên.
bình luận (0)