Cơn đau đầu của phương Tây: Mạnh tay giáng hàng loạt đòn trừng phạt nhưng Nga vẫn trụ vững

14/06/2022 08:00 toquoc.vn

Hôm 12/6, nhân Ngày nước (Quốc khánh Liên bang Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng các công dân Nga đồng thời nhấn mạnh rằng điều đặc biệt quan trọng đối với người dân Nga hiện nay là sự đoàn kết.

Cụ thể, trong tuyên bố mừng ngày Quốc khánh, Tổng thống Putin nêu rõ Ngày nước Nga là "ngày lễ vinh danh đất nước, quê hương của chúng ta, với niềm tự hào về lịch sử, niềm tin vào tương lai của đất nước. Hôm nay, chúng ta đặc biệt hiểu rõ tầm quan trọng của sự đoàn kết đối với Tổ quốc, xã hội và mọi người dân."

Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định rằng chính các giá trị đạo đức và truyền thống lâu đời hàng thế kỷ đã và đang đoàn kết các dân tộc ở Nga.

Liệu có phải sự đoàn kết này đã giúp nước Nga trụ vững trước "sóng gió" trừng phạt bủa vây kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát? Mới đây, trang Business Insider (Mỹ) vừa đăng tải bài tổng hợp ý kiến của các chuyên gia phân tích nguyên nhân Nga vẫn có thể đứng vững đến ngày nay bất chấp những đòn giáng trừng phạt mạnh tay của phương Tây.

Tổng thống Putin nêu những tín hiệu tích cực

Theo Business Insider, tại cuộc họp thường kỳ với nội các chính phủ Nga đầu tuần trước, Tổng thống Putin đã nêu một loạt những diễn biến tích cực trong lĩnh vực kinh tế của nước này.

Cụ thể, ông Putin nói rằng tỷ lệ thất nghiệp của Nga "trong tháng 4 và tháng 5 đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử", "hiện nay lạm phát đã bằng 0".

"Số lượng người thất nghiệp không tăng, mà thậm chí còn giảm nhẹ", nhà lãnh đạo Nga nói thêm.

Tuyên bố trên được nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang tháng thứ 4, và Nga đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và tẩy chay mạnh mẽ của phương Tây và các đồng minh của phương Tây.

Rõ ràng những tuyên bố của Tổng thống Putin cho thấy nền kinh tế của Nga đang tiếp tục đi lên. Theo Rosstat, cơ quan thống kê của chính phủ Nga, lạm phát đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ổn định ở mức khoảng 4%.

Dự kiến trong năm 2022, dầu mỏ và khí đốt sẽ mang lại doanh thu lớn hơn so với năm ngoái cho Nga nhờ giá năng lượng toàn cầu tăng cao. Chính phủ Nga cũng đã ban hành một loạt các chính sách, đòn bẩy tài chính nhằm giảm nhẹ tác động của các đòn trừng phạt đối với người dân.

Theo Business Insider, hiện tại Nga đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế của mình, tuy nhiên một số nhà phân tích đã dự đoán về bức tranh kém lạc quan hơn cho nền kinh tế Nga do các lệnh trừng phạt.

Nga kìm hãm lạm phát và ngăn thất nghiệp gia tăng như thế nào?

Theo Rosstat, tỷ lệ lạm phát của Nga đã tăng vọt sau khi cuộc xung đột với Ukraine bùng phát, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng kể từ đầu tháng 3, đà tăng lạm phát đã chậm lại và dần được kiểm soát.

Trong tuyên bố ngày 2/6, ngân hàng trung ương Nga cho rằng lạm phát chậm lại chủ yếu là do đồng rúp mạnh lên. Đồng rúp của Nga hiện là đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới, sau khi đã tăng khoảng 30% so với đồng đô la trong năm nay.

Moskva đã cố gắng củng cố vị thế của đồng rúp thông qua một loạt các biện pháp kiểm soát vốn, bao gồm việc chỉ thị các công ty chuyển đổi tới 80% thu nhập ngoại tệ của họ thành đồng rúp. Theo chỉ đạo của Tổng thống Putin, Nga đã yêu cầu các "quốc gia không thân thiện" mua khí đốt của mình bằng đồng rúp, nếu không thì họ sẽ bị cắt nguồn cung năng lượng.

Những động thái của Nga đã củng cố sức mạnh của đồng rúp và giữ cho lạm phát trong tầm kiểm soát.

Việc xuất khẩu giảm cũng hỗ trợ đồng rúp do các nhà nhập khẩu hiện ít có nhu cầu về ngoại tệ hơn trước, theo báo cáo hồi tháng 5 của ngân hàng trung ương Nga.

Về vấn đề việc làm, kể từ sau khi cuộc xung đột bùng phát, nhiều công ty và tập đoàn nước ngoài đã rời bỏ thị trường Nga - nhưng dữ liệu từ Rosstat cho thấy tỉ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức ổn định là 4%.

Điều đó là nhờ sự chuyển dịch lao động "có trật tự" và các công ty nhà nước Nga nhanh chóng thế chỗ cho công ty nước ngoài rời khỏi nước này, theo Business Insider. Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Putin cũng từng nói rằng ông "rất vui" khi một số công ty nước ngoài rời Nga đã để lại khoảng trống cho các doanh nghiệp sản xuất của Nga thay thế vị trí của họ.

Mặc dù vậy, các chuyên gia bình luận với Business Insider rằng các lệnh trừng phạt vẫn đang "gặm nhấm nền kinh tế" của Nga, và khiến sự phục hồi đình trệ, và cuối cùng Nga sẽ thấy rõ những tác động của những lệnh trừng phạt này.

Trong báo cáo được công bố hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng nền kinh tế Nga sẽ giảm 8,5% vào năm 2022, và giảm thêm 2,3% nữa vào năm 2023. Đây là sẽ là mức sụt giảm lớn nhất của nền kinh tế Nga kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.