Cổ phiếu vận tải biển đồng loạt dậy sóng, còn cơ hội đầu tư?

31/03/2022 10:26 toquoc.vn

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá đà tăng giá của cổ phiếu vận tải biển thời gian qua được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể. Cụ thể, các doanh nghiệp chủ chốt ngành vận tải biển có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với các năm trước, đơn cử như SGP, STG, GMD, CDN,... 

Theo đó, biến động giá cổ phiếu trong năm vừa qua cũng phản ánh khá sát với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tương quan với thị trường. Ở sàn HOSE, GMD, STG, VSC ghi nhận diễn biến giá vượt trội so với VN-Index trong khi PDN, DVP kém hiệu quả hơn. Tương tự, ở sàn HNX, SGP với sự nhảy vọt về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, có biến động giá vượt trội so với HNX, trong lúc hầu hết các doanh nghiệp cảng biển khác như VGP, PHP, CDN, TCW kém hiệu quả hơn.

 

Trong năm 2022, Mirae Asset cho rằng nhóm cổ phiếu này vẫn "sáng cửa" để đầu tư nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.

Thứ nhất, thu hút FDI tiếp tục tăng trưởng: Trong năm 2021, số dự án FDI CN chế biến, chế tạo còn hiệu lực đạt 15,592 dự án (tăng 3%) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 242 tỷ USD (tăng 6.8%). Mặc dù tốc độ tăng trưởng số lượng dự án chậm lại (so với mức trung bình 7.2% trong 5 năm gần nhất), tốc độ tăng trưởng về vốn đầu tư có sự cải thiện so với mức 5.8% năm 2020. Quy mô vốn/dự án cũng tăng lên mức trung bình 15.5 triệu USD/DA (so với mức 14.9 triệu USD/DA năm 2020).

Hoạt động sản xuất cải thiện: Từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, cả 2 chỉ số PMI và IIP liên tục cho thấy tín hiệu cải thiện mạnh. Cụ thể, PMI tháng 2/2022 đạt mức 54.3, duy trì ở mức trên 50 trong 5 tháng liên tiếp tính từ tháng 10/2021. IIP tháng 2/2022 ước tăng 8.5% cùng kỳ, ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp tăng trưởng so với cùng kỳ.

Vận tải thủy phục hồi: Hoạt động vận tải thủy đường biển và thủy nội địa 2021 ghi nhận hồi phục so với 2020. Cụ thể, khối lượng hàng hóa vận tải đường biển và thủy nội địa ước đạt lần lượt 85 triệu tấn (tăng 3.3%) và 315.5 triệu tấn giame 6,4%), cải thiện đáng kể so với mức giảm 2.3% và 9.6% trong năm 2020.

Tình hình kinh tế ở các thanh toán xuất khẩu chính của Việt Nam hồi phục: GDP các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 và 2023.

Đáng chú ý, theo quy hoạch cảng biển đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng công suất dự kiến đạt 6%/năm. Ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, tổng năng lực đáp ứng thông quan hàng hóa đến năm 2030 đạt 1,140 – 1,423 triệu tấn (trong đó container từ 38 – 47 triệu TEU). So với sản lượng thông quan năm 2021 là 706 triệu tấn và 24 triệu TEU, với mục tiêu này, tổng công suất hệ thống cảng biển được kỳ vọng sẽ tăng trung bình 6%/năm giai đoạn 2021 – 2030.

Với tốc độ tăng trưởng công suất được kỳ vọng ở mức 6% trong bối cảnh giá dịch vụ cảng biển nhiều khả năng chỉ được điều chỉnh dựa theo lạm phát kỳ vọng hàng năm (dự kiến ở mức trung bình 3%/năm), Mirae Asset cho rằng doanh thu đến từ dịch vụ khai thác cảng biển dự phóng sẽ tăng trưởng quanh mức trung bình 9%/năm trong giai đoạn 2021-2030.

Mặt khác, nhóm phân tích Mirae Asset cũng lưu ý rủi ro dịch Covid ảnh hưởng đến hoạt động cảng biển trên thế giới. Cụ thể, với chiến lược "ZeroCOVID" của Trung Quốc vào T8/2021 tạm dừng hoạt động tại ga Mi Sơn – cảng Ninh Ba.

Trong những tháng đầu năm 2022, Trung Quốc tiếp tục phong tỏa các thành phố lớn để hạn chế bùng phát dịch COVID. Tương tự, hoạt động ở các cảng biển lớn trên thế giới bên cạnh việc ghi nhận mức tăng trưởng cao cũng xảy ra tình trạng ùn ứ do các biện pháp phòng dịch làm tăng thời gian thông quan.

Theo đó, hoạt động vận tải biển trên toàn thế giới có nguy cơ bị xáo trộn và kém hiệu quả nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn. Điều này ảnh hưởng xấu đến các tuyến hàng hải đến Việt Nam cũng như hoạt động xuất nhập khẩu