Chuyên gia Phan Dũng Khánh: Hy vọng tiền 'chó mèo' tăng vốn hoá khủng như 'lùa gà' vào sự thật viển vông

14/05/2021 06:11 congluan.vn

Mạng xã hội những ngày qua “dậy sóng” bởi hàng loạt tài khoản Facebook của các nghệ sĩ như Ngọc Trinh, Lê Dương Bảo Lâm, Kiều Minh Tuấn... đề cập đến các đồng tiền số, rồi nhanh chóng gỡ trạng thái chỉ sau một đêm.

Cụ thể, ngày 11/5, tài khoản Facebook của những nghệ sĩ này đăng tải nội dung giống nhau, gắn với những tên tiền kỹ thuật số mới nổi gần đây như Doge, Shiba, Akita, Poodl, FXT, Kishu… và kèm vào giữa là FXT Token.

Được nhắc đến nhiều nhất có thể là tài khoản của Ngọc Trinh, khi “nữ hoàng nội y” đăng liên tiếp 4 dòng trạng thái trên mạng xã hội trong cùng một ngày.

Cô khoe tài khoản có 9,87 triệu đồng Tether (trị giá 9,87 triệu USD) và hơn 30 tỷ đồng Shiba Coin (trị giá gần 0,9 triệu USD) với kỳ vọng Shiba Coin có thể lên đến 1 USD/đồng.

Trong khi đó, giá Shiba Coin ngày 12/5 trên sàn Coinmarket chỉ ở mức 0,00003117 USD.

Nhiều nhóm tham gia FXT Token sau đó chụp lại màn hình và chia sẻ rầm rộ, kêu gọi tham gia như: “Đến Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Khả Như... còn tham gia thì các bạn chần chờ gì?”.

Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, hầu hết những đồng tiền chó, mèo hay đồ ăn hầu như không có ứng dụng gì nên được gọi là meme-coin, tức là tạo hiệu ứng lây lan để người khác Fomo (hội chứng sợ bị bỏ lỡ cơ hội) theo nhằm trục lợi cho cá nhân hay nhóm nào đó.

“Ứng dụng của nhóm này chính là đầu cơ và lợi ích duy nhất (đến phút cuối cùng) là cho họ mà thôi.

Những nhà đầu tư tham gia nếu kiềm chế được lòng tham và ‘chạy lẹ’ có thể kiếm chút ‘cháo’, còn lại đều mất cả”, ông Khánh nói.

Chuyên gia tài chính chỉ ra, việc thu hút đầu tư và tạo hiệu ứng Fomo cho những coin “rác”, tài sản vô giá trị hay đầu tư vào những dự án lừa đảo là kỹ năng “đỉnh cao” của các "nhà cái".

Việc tận dụng các mạng xã hội, KOLs tác động đến người khác dù vô tình hay cố ý sẽ gây thiệt hại lớn cho số đông đại chúng.

Ông Khánh cho biết, những coin này lại có số lượng rất lớn.

Ví dụ như Dogecoin, mỗi ngày có thêm khoảng 20 triệu coin mới, 1 năm có thêm khoảng 5 tỷ coin mới.

Còn SHIB tổng số lượng hiện nay là 1 triệu tỷ coin, nên nhiều "nhà cái" đưa ra chiêu bài thổi giá, hy vọng rằng một lúc nào đó nào đó sẽ lên 1 USD/coin, điều này cũng đồng nghĩa vốn hóa SHIB sẽ lên hơn 1 triệu tỷ USD.

“Nhìn lại thực tế hiện nay, trên thế giới chưa có tài sản nào lên được đến giá trị này.

Ngay cả cổ phiếu Apple hiện có vốn hóa lớn nhất cũng khoảng 2,000 tỷ USD, thậm chí tổng giá trị vàng cũng khoảng trên 11.000 tỷ USD là 2 tài sản lớn nhất thế giới hiện tại.

Điều này càng cho thấy trong 10 hay 100 năm nữa, sẽ không thể đạt được mức vốn hóa này.

Do đó, việc nhà đầu tư kỳ vọng như vậy, chẳng khác nào nếu không gọi là ‘lừa đảo’ thì là ‘lùa gà’ vào những niềm tin, vào sự thật viển vông, vào những thuật ngữ ‘Go to the Moon’ hay ‘Go to the Mars”, ông Khánh phân tích.

Trong khi đó, những ứng dụng khác cho cuộc sống, xã hội cộng đồng như những đồng tiền kỹ thuật số lớn (hay chính xác hơn là tài sản số) là bằng 0.

Các Topcoin ngoài việc có ứng dụng cho phạm vi rộng cho cộng đồng, mang lại giá trị gia tăng cho số đông luôn có số lượng giới hạn.

Thậm chí, những đồng tiền này thông qua hình thức đốt cháy (burn) nhằm giảm số lượng theo thời gian như BNB hoặc Ripple - XRP.

Để đánh giá tiền kỹ thuật số lừa đảo hay không, ông Khánh cho rằng phụ thuộc vào người tạo ra nó, cũng như lộ trình phát triển.

Điều này thường được ghi rõ trong sách trắng (Whitepaper) của dự án, có thể kiểm tra thoải mái, thậm chí còn thuê các định chế lớn theo dõi, kiểm soát như Audit (kiểm toán) hay ngân hàng đứng trung gian đảm bảo.

Tuy nhiên, những dự án lừa đảo thậm chí còn chẳng có sách trắng hoặc được trình bày sơ sài, tạo Fomo nhằm mục đích để nhà đầu tư không chú ý vào mục đích chính.

“Tóm lại, chúng ta chỉ nên làm những việc thuộc về lĩnh vực chuyên môn của mình, tránh xa những ngành nghề không hiểu”, ông Khánh nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm liên quan vấn đề này, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, người của công chúng có sự thu hút rất lớn của cộng đồng.

Theo Điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, người nổi tiếng khi quảng cáo phải chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin đến người tiêu dùng. 

Nếu hàng hóa mà người nổi tiếng quảng cáo khi bị xác định là hàng giả, hàng kém chất lượng, không đủ điều kiện lưu thông ra thị trường thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi cũng như thiệt hại gây ra mà người này có thể bị xử phạt hành chính từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Thậm chí trong một số trường hợp, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 do có hành vi quảng cáo không đúng sự thật về hàng hóa, dịch vụ với khung hình phạt lên đến 3 năm cải tạo không giam giữ.

Tuy nhiên, nếu người nổi tiếng chứng minh được bản thân đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm tra tính chính xác của hàng hóa và không biết hàng hóa là hàng giả thì không phải chịu trách nhiệm.

Từ đầu năm đến đầu tuần này, nhờ những dòng trạng thái của tỷ phú Elon Musk, đồng Dogecoin đã tăng vọt đến 12.000%.

Song, chỉ trong 24 giờ qua, đồng này rớt thảm xuống mức 0,4283 USD, tương đương bốc hơi gần 32%.

Không ngoại lệ, đồng Shiba cũng mất 27,32% xuống còn 0,00002061 USD; AquaGoat giảm 12,47% về giá và giảm 66% lượng giao dịch; Pig Finance giảm hơn 40% về giá và giảm hơn 54% về lượng giao dịch…

Kỳ Hoa