Chuyển đổi số: Doanh nghiệp Việt tin tưởng vào người Việt

11/12/2021 15:04 congluan.vn

Doanh nghiệp Việt tin tưởng vào các công ty công nghệ Việt về chuyển đổi số

Trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chủ động chuyển đổi số, kinh tế số để thích ứng với đại dịch COVID-19. Nhờ đó, hiệu quả công việc đã tăng lên rất nhiều.

Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số lần III đang diễn ra tại Hà Nội vào sáng 11/12, ông Hoàng Minh Quân, CEO Cloudify Việt Nam cho biết: Kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rõ rệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực nhờ sự đầu tư, chương trình khuyến khích của Nhà nước.

Trong báo cáo kinh tế số châu Á 2021 của Google, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có sự phát triển nhanh nhất khu vực. Cụ thể, đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ mở rộng hơn hiện tại gấp 11 lần.

Sự tăng trưởng này sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các ngành như thương mại điện tử, logistic thông minh, du lịch... Đặc biệt, từ 2020-2021, thương mại điện tử đã tăng trưởng 30%. Trong đó, ông Quân khẳng định khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế số. 

Hiện, các doanh nghiệp này nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng gặp khó khăn về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin. Do đó, doanh nghiệp này đưa ra mô hình phần mềm như một dịch vụ (SAAS). 

Theo đó, thay vì mua cả một nền tảng số, doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm này và chi trả theo từng tháng, dùng tới đâu trả tới đó như thanh toán chi phí viễn thông. Như vậy, họ có thể tiếp cận với các nền tảng công nghệ cao với chi phí hợp lý hơn.

Trong khi đó, ông Hà Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group mang đến cái nhìn tổng quan giải pháp công nghệ. Theo thống kê năm 2020, cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp.

Ông Hà Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group.

Đại dịch trong hai năm qua tác động đến doanh nghiệp, người lao động. 28,2 triệu người lao động mất việc, giảm thu nhập. 45.611 doanh nghiệp ngừng hoạt động. 

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất. Hiện các doanh nghiệp lớn đã và trong quá trình chuyển đổi số.

"Thực tế, có sự dịch chuyển từ nền tảng số nước ngoài sang Made in Việt Nam. Các sản phẩm Made in Việt Nam có sự linh động, có đội ngũ hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp", ông Kiên nói.

Ông Kiên giải thích: Các sản phẩm do người Việt làm ra có chi phí thấp hơn. Đồng thời, các nền tảng nước ngoài khó khăn trong việc hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam: rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thời gian…

Theo nhiều nghiên cứu, hiệu suất làm việc tăng 12% nếu nhân sự cảm thấy hạnh phúc với công việc đang làm. Bài toán của doanh nghiệp là giải quyết được vấn đề tương tác với nhân viên, gắn kết với nhau, tạo hiệu suất công việc cao.

Ông Kiên nhận định: Các doanh nghiệp trong nước đã có sự tăng trưởng đột phá trong 2 năm qua. Các doanh nghiệp này đã và đang chuyển đổi số để thích nghi. Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đều dùng các công cụ giao tiếp phổ biến như Facebook, zalo... 

“Điều này khiến thông tin doanh nghiệp dễ bị rò rỉ, nhân viên sao nhãng, hiệu suất làm việc giảm. Thực tế, các doanh nghiệp nhận thấy điều đó nên cập nhật các nền tảng nước ngoài như Workplace”, ông Kiên nói.

Ngành điện chuyển đổi số đứng thứ hạng cao trong khu vực

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết: Điện lực Việt Nam là một trong những ngành nghề có tốc độ chuyển đổi số cao nhất trong khu vực.

Theo đó, tính đến 30/11, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất đặt đứng đầu ASEAN, vượt qua Indonesia với 76 nghìn MW. Hệ thống truyền tải đường dây 500 kV, 220 KV cũng đứng đầu ASEAN.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Sản lượng điện thương phẩm 10 tháng đầu năm đạt 187 tỷ. Ông cho biết thành tựu lớn của ngành điện là đã đưa điện tới 99,% hộ dân nông thôn và 99,5% hộ dân trên toàn quốc.

Chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp của Tập đoàn EVN theo xếp hạng của Fitch Ratings đạt mức BB+ với triển vọng ổn định, ngang bằng với chỉ số tín nhiệm quốc gia. Về tiếp cận điện năng, World Bank đánh giá Việt Nam đứng thứ 27 trên 190 nền kinh tế của thế giới, tăng thứ hạng so với các năm trước.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm đưa ra kịch bản sau dịch với mức tăng trưởng dự đoán 8,2% một năm, với chuyển đổi số, số hoá là một trong những động lực tăng trưởng.

Đại diện EVN chia sẻ về những ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển hệ thống điện. Ông dẫn chứng, 29,5 triệu hợp đồng mua bán điện đã được số hóa; cho đến nay EVN đã bán điện trực tiếp tới 12/13 đảo. Với 19 triệu công tơ điện tử, Việt Nam đạt tỷ lệ cao về công tơ điện tử trong khu vực ASEAN.

Từ năm 2012, EVN đã thực hiện cung cấp hoá đơn điện tử, đến nay, đã áp dụng toàn bộ trên hệ thống. Từ năm 2019, EVN đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối xong với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

EVN cũng đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng, đơn vị thanh toán nhằm phục vụ thanh toán ví điện tử, không tiền mặt. EVN có riêng ứng dụng chăm sóc khách hàng để người dụng có thể tự tra cứu tiền điện, sản lượng điện.

Đơn vị cũng ứng dụng AI chăm sóc khách hàng. Trong đó, các cuộc gọị đến trung tâm khách hàng có đến 1/3 được trả lời bằng chatbot.

Hiện hệ thống giám sát điều khiển của EVN có đến 96,45% các trạm 110kV là không người trực, với trạm 220kV là 75%, với 63 trung tâm điều khiển từ xa.

Đặc biệt, với năng lượng tái tạo, ngành điện đã ứng dụng công nghệ điều khiển tự động điện mặt trời mái nhà, trang trại, ứng dụng blockchain, AI trong mua bán điện trực tiếp, phân tích độ ổn định.

"EVN mong muốn tạo thành hạ tầng, năng lượng chung để các doanh nghiệp cùng kết nối, cung cấp trải nghiệm khách hàng, nhân viên", đại diện EVN chia sẻ.

Việt Vũ