Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giá đất và cơ chế tài chính về đất đai là vấn đề khó nhất

23/09/2022 06:00 daidoanket.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giá đất và cơ chế tài chính về đất đai là vấn đề khó nhất
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Ngày 22/9, tại phiên họp pháp luật chuyên đề tháng 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua dự án Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất, đích đáng nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, hữu quan, đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trước đây và không “đẻ” ra khó khăn, vướng mắc mới.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, luật phải thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật, là ví dụ sinh động nhất thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, của Đảng, Nhà nước trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật hay không?. “Chúng ta đã cố gắng ở những luật khác thì luật này phải gấp bội mới đáp ứng được yêu cầu”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, quá trình sửa đổi luật này chúng ta phải bám sát các chủ trương của Đảng trong trực tiếp là Nghị quyết 18, cố gắng làm sao từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, chứ không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết. Bởi qua rà soát và ý kiến thẩm tra sơ bộ thấy rằng còn một số chủ trương lớn cần tiếp tục phải thể chế hóa, chứ không chỉ nhắc lại.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta chỉ cụ thể hóa những gì đã chín, đã rõ, đã có quyết sách của Trung ương. Theo đó trong 19 nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau, Trung ương đã rút lại còn 16 vấn đề. Xây dựng luật này cũng như các dự án luật khác phải bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kỹ lưỡng các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt, không có vấn đề gì và được Trung ương khẳng định lại là đúng.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, sự vụ. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể, doanh nghiệp, người dân.

Người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị, trong quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư, cần rõ ràng, minh bạch ở chỗ này, quan hệ nhà nước về đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử đụng đất, giao cho thuê đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường và các quan hệ tư như chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho. Hai cái này phải tường minh, không lẫn lộn.

Về việc áp dụng pháp luật, cần làm sao để vừa thể hiện Luật Đất đai vừa là luật căn bản, cơ bản về đất đai nhưng phải tuân thủ nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc áp dụng luật. Theo đánh giá đến nay có khoảng 22 luật liên quan đến quy định của luật Đất đai, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu lại Điều 4 của dự thảo Luật Đất đai trong mối quan hệ với các luật khác, đặc biệt là điều 4 của Luật Đầu tư.

Về vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, theo Chủ tịch Quốc hội “đây là vấn đề khó nhất”. Do đó quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của HĐND, UBND, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào, nguyên tắc thị trường với giá thị trường cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trước đó, trước khi các đại biểu thảo luận, điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, Luật cũng bộ lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai. Vi phạm về đất đai còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng, phải xử lý hình sự, chưa đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ.

Theo ông Hải, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi Luật với 11 nhóm chính sách lớn. Đây là dự án Luật khá phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ.