Chủ quán ăn vừa mở hàng sau dịch, lập tức bị “sốc” vì “bão giá”

15/11/2021 08:17 congluan.vn

Chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống vật vã vì “bão giá”

Sau hơn 1 tháng Hà Nội nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh doanh, buôn bán bắt đầu hồi phục trở lại. Trong đó, dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, quán ăn vỉa hè là đối tượng được hưởng lợi nhất.

Thế nhưng, chưa vui mừng được bao lâu, các chủ quán ăn tại Hà Nội đã phải đối mặt với tình trạng vật giá leo tháng.

Bà Hiền, chủ một cửa hàng phở trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa) cho biết: Từ lúc Hà Nội hết giãn cách cho tới nay, giá rau xanh tại các chợ đầu mối mỗi ngày tăng một giá.

“Nếu như trước đây, hành giá có giá 20.000 đồng/kg, thì nay đã tăng lên 100.000 - 120.000 đồng/kg, thậm chí có lúc tăng tới 150.000 đồng/kg. Đó là chưa kể các loại hành tím, hành khô, tỏi, ớt,... cũng đều tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với trước khi Hà Nội giãn cách”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, giá xăng dầu tăng đã khiến nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng giá như “tát nước theo mưa”, nhất là rau xanh có mức tăng cao nhất.

“Lúc đi chợ, các mối bán rau đều nói, xăng tăng, dầu tăng, thì đương nhiên rau xanh phải tăng. Bởi vì, các khâu thu hoạch, vận chuyển đều phải dùng xăng, dầu.

Chưa kể, đang trong giai đoạn giao mùa, hàng hóa rau xanh tại các chợ đầu mối cũng không dồi dào như trước dịch”, bà Hiền nói.

Ngoài yếu tố xăng, dầu, các chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống còn đang gặp khó, vì giá gas cũng tăng rất mạnh trong 2 tháng gần đây.

Ngay trong tháng 11/2021, giá gas trong nước đã đồng loạt tăng  16.000 - 17.000 đồng/bình 12kg, hiện giá gas loại bình 12kg lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 500.000 đồng/bình.

Chị Thúy, chủ cửa hàng bún riêu nằm trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Hiện nay, hầu hết các cửa hàng kinh doanh ăn uống đều đã chuyển sang bếp gas, hoặc bếp điện, thay vì dùng than như trước. Do đó, mỗi khi gas tăng giá, cửa hàng của chị Thúy đều phải tính toán lại để cân bằng lợi nhuận.

“Kinh doanh trong giai đoạn “bão giá” rất khó khăn, mọi thứ đều tăng từng ngày, thậm chí sáng một giá, chiều tăng theo giá khác. Nhiều khi nghe đầu mối thông báo giá bán, tôi phát hoảng vì tăng quá cao”, chị Thúy nói.

Giải pháp “chống cháy” trong cơn “bão giá”

Theo khảo sát của phóng viên báo Nhà báo và Công luận, hiện nay, rất nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đã điều chỉnh giá bán, để bù vào chi phí đầu vào tăng cao. Mức tăng phổ biến dao động từ 5.000 đồng, một số nơi cũng điều chỉnh tăng thêm 10.000 đồng, nhưng ít hơn.

Đơn cử, tại cửa hàng phở của bà Hiền, trước đây có giá 35.000 đồng/bát, thì nay đã tăng lên 40.000 đồng/bát, hoặc tại cửa hàng chị Thúy, bán bún riêu đầy đủ “topping” trước có giá 30.000 đồng, thì nay cũng tăng lên 35.000 đồng/bát.

Chị Thúy chia sẻ, hiện nay, nếu các cửa hàng dịch vụ ăn uống không điều chỉnh lại giá bán, thì rất khó có lãi, thậm chí có thể lỗ.

“Chúng tôi rất thông cảm với người dân. Khi vừa hết giãn cách, ai cũng khó khăn cả, nên việc tăng giá hàng ăn trong thời điểm này là điều tôi rất áy náy. Nhưng nếu không tăng, riêng cửa hàng của tôi không thể gánh nổi vì mọi thứ đều tăng”, chị Thúy nói.

Theo chị Thúy, các cửa hàng dịch vụ ăn uống có 2 cách để giảm bớt gánh nặng vật giá leo tháng, thứ nhất là tăng giá dịch vụ, chất lượng vẫn giữ nguyên. Cách thứ hai là giảm bớt nguyên liệu, nhưng vẫn giữ nguyên giá bán. Ví dụ, quán phở có thể giảm thịt bò, giảm bánh phở,...

“Hầu hết các cửa hàng sẽ lựa chọn tăng giá, thay vì rút đi nguyên liệu. Nếu lựa chọn theo cách thứ 2, người sành ăn rất tinh ý và dễ bị mất khách”, chị Thúy nói.

Đồng tình với những quan điểm trên, ông Thế Anh, đại diện cho chuỗi nhà hàng đồ nướng tại Hà Nội cho biết: Trong tháng 11, các ngành dịch vụ, trong đó có ngành nhà hàng, dịch vụ ăn uống được hưởng lợi từ quyết định giảm thuế giá trị gia tăng từ 10%, xuống còn 7%.

Nếu dựa vào lý thuyết, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ là điều kiện hạ giá thành sản phẩm. Thế nhưng, trong giai đoạn vật giá leo thang như hiện nay, rất ít đơn vị điều chỉnh lại giá thành sản phẩm.

“Mặc dù thuế đã giảm, nhưng tại các chi nhánh của chúng tôi tạm thời chưa điều chỉnh giá bán. Bởi vì, giá xăng tăng, giá dầu tăng, gas tăng, rau xanh, thịt cá đều tăng, chúng tôi rất khó hạ giá thành sản phẩm”, ông Thế Anh cho biết.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo công tác điều hành giá quý IV.

Theo đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao các bộ ngành, địa phương cần tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.

“Đây là những việc Ban chỉ đạo điều hành giá đã làm hàng năm, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh cho nên cần lưu ý để tổ chức công tác dự trữ, bình ổn hợp lý”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Định Trần