Chốt lời 50% chỉ sau vài ngày và những mánh khóe làm nên tên tuổi 'siêu lừa' Charles Ponzi

16/02/2022 13:20 toquoc.vn

Charles Ponzi sinh ra ở Ý, sau đó di cư sang Mỹ vào năm 1903. Tại đây, ông ta đã làm nhiều công việc nhau nhưng thường bị đuổi việc không lâu sau đó do thường giở thói trộm cắp hoặc lừa đảo khách hàng.

Một vài năm sau, Ponzi chuyển đến Canada và phải ngồi tù vì tội làm giả séc. Sau đó, Ponzi trở lại Hoa Kỳ để tìm cho được một cơ hội kiếm tiền nhanh.

Kiếm tiền bằng phiếu hồi đáp

Cuối cùng, Ponzi cũng đã tìm ra cho mình con đường làm giàu nhanh chóng nhờ một kẽ hở trong hệ thống bưu điện.

Vào thời điểm đó, các bức thư gửi đi nước ngoài thường có một phiếu hồi đáp quốc tế (IRC) đi kèm (người nhận được thư có thể dùng phiếu này để đổi lấy tem bưu chính địa phương với mức bưu phí thấp nhất để trả lời người gửi).

Do đó, nếu bạn gửi thư cho một người bạn ở Pháp, bạn có thể gửi kèm cho người đó một phiếu hồi đáp quốc tế để người đó có thể trả lời bạn với chi phí tiết kiệm nhất (Loại hình thư từ này vẫn còn tồn tại nhưng không phổ biến bằng trước đây).

Khi tỷ giá hối đoái và bưu phí có nhiều biến động thì việc kinh doanh phiếu hồi đáp này là một cơ hội kiếm lời.

Bạn chỉ cần mua phiếu hồi đáp quốc tế giá rẻ ở một số quốc gia khác và gửi tới Mỹ để đổi lấy những con tem có giá trị cao hơn ở Mỹ, sau đó bán những con tem này lấy lợi nhuận.

Hình thức tìm kiếm lợi nhuận như vậy là hoàn toàn hợp pháp. Ponzi bắt đầu thuê các đại lý thu mua phiếu hồi đáp ở Ý rồi đem bán lại ở Mỹ và kiếm được một khoản khá hời.

Nhưng thay vì thỏa mãn với nguồn thu nhập này, Ponzi đã bắt đầu trở nên tham lam hơn.

Ông ta chiêu mộ những nhà đầu tư vào một hệ thống và cam kết rằng sẽ trả lãi cho họ 50% số tiền đầu tư chỉ sau vài ngày.

Các nhà đầu tư sẽ đầu tư tiền mặt vào hệ thống và chắc chắn Ponzi sẽ trả cho họ khoản lợi nhuận như đã hứa.

Mọi người đều rất hài lòng với khoản lợi mà họ nhận được, và tin tức về thầy phù thủy tài chính người Ý bắt đầu lan truyền rộng rãi.

Chỉ trong vòng hai năm, ông ta đã có trong tay một hệ thống nhân viên rộng khắp cả nước, những người này chuyên đi tuyển dụng những nhà đầu tư mới cho chiến lược đầu tư điên rồ này.

Ponzi đã bỏ túi hàng triệu USD và tận hưởng một cuộc sống xa hoa ở ngoại ô Boston. Thậm chí, vào thời kỳ đỉnh cao, Ponzi có thể kiếm được 250.000 USD mỗi ngày.

Kiếm được nhiều như vậy, ông ta tha hồ vung tay vào những thứ xa xỉ và vô bổ. Vào thời kỳ này, Ponzi được biết đến như một nhà đầu tư nổi tiếng, gần giống như Warren Buffett ở thời điểm hiện tại.

 

Thủ đoạn

Vậy tại sao khi nghĩ tới cái tên Ponzi, chúng ta thường nghĩ đến hai chữ "thủ đoạn"?

Công việc của Ponzi là tìm kiếm chênh lệch về giá của các phiếu hồi đáp, và "hoạt động kinh doanh" này không hề tốt như ông ta tuyên bố.

Trên thực tế, Ponzi thậm chí còn chẳng có nổi trong tay một doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vì nhận được quá nhiều tiền từ các nhà đầu tư mới đổ vào, ông ta có thể lấy tiền đầu tư mới để trả lợi nhuận cho những nhà đầu tư cũ.

Trên thực tế, Ponzi thậm chí không cần phải trả nợ cho các nhà đầu tư cũ, vì nhiều người trong số họ muốn tái đầu tư khoản lợi nhuận được cam kết vào công việc kinh doanh "tuyệt vời" này.

Sức hấp dẫn của Ponzi giúp ông ta dễ dàng xoa dịu sự lo lắng của bất kỳ khách hàng nào, và trò lừa đảo của ông ta trông có vẻ không hề có một sơ hở.

Bài toán kinh doanh mập mờ

Tuy vậy, cuối cùng, những người am hiểu hơn về tài chính đã xem xét hoạt động kinh doanh của Ponzi. Ông Clarence Barron - chủ sở hữu của tờ Wall Street và là người sáng lập tạp chí tài chính mang tên mình - đã nhận ra rằng Ponzi là một kẻ lừa đảo và đã tố cáo hắn ta.

Mặc dù Barron thừa nhận rằng hoạt động kinh doanh chênh lệch giá phiếu hồi đáp qua bưu điện có thể kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ trong thời gian ngắn, tuy nhiên theo tính toán thì Ponzi sẽ phải mua đi bán lại tất cả 160 triệu phiếu hồi đáp mới có khả năng trả được mức lãi suất như vậy cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trên thế giới chỉ có 27.000 phiếu hối đáp được lưu hành nên câu chuyện của Ponzi chắc chắn là không có thật. (Mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn khi bưu điện thông báo rằng lượng phiếu hồi đáp từ quốc gia này sang quốc gia khác là không quá lớn.)

Trên hết, Barron chỉ ra rằng Ponzi đã nói với các tờ báo rằng hắn đã đầu tư tiền vào bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu như bất kỳ một nhà đầu tư bình thường nào khác.

Barron đặt ra một câu hỏi hết sức rõ ràng rằng: Tại sao Ponzi có thể kiếm được 50% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh này mà vẫn phải dự phòng bằng những công cụ đầu tư cũ kỹ với mức lợi nhuận chỉ là 5%? Đây chắc chắn không phải là hành động của một thiên tài tài chính.

Những kết luận của Barron đã được đăng tải trên trang nhất của tờ Boston Post vào tháng 7 năm 1920 và gây thiệt hại cho nhiều cấp dưới trong hệ thống của Ponzi.

Mặc dù vậy, với sức hấp dẫn từ trong trứng của mình, Bonzi đã khiến cho nhiều người chọn không tin vào tờ báo. Ít ai tin rằng người anh hùng của họ (người đã biến số tiền tiết kiệm trong đời họ lên gấp 3) lại là một kẻ lừa đảo.

Trên thực tế, vào buổi sáng mà tờ Post cho đăng bài viết của Barron, các nhà đầu tư vẫn xếp hàng xung quanh khu nhà bên ngoài văn phòng của Ponzi để cố gắng đầu tư cho ông ta nhiều tiền hơn nữa, ngay cả sau khi họ biết được rằng mình đã bị lừa.

Ponzi khoe rằng vào ngày bài báo được đăng lên, hắn đã được nhận được khoản đầu tư mới trị giá một triệu USD.

 

Làm sáng tỏ

Tuy vậy, mọi thứ bắt đầu chẳng còn thuận buồm xuôi gió đối với kẻ lừa đảo. Cho dù sau bài viết của Barron, Ponzi đã xoa dịu các nhà đầu tư, hắn chắc chắn đã nhận ra rằng cơ hội của mình đang dần đóng lại.

Hắn thuê một chuyên gia quảng cao tên là William McMasters, nhưng anh này đã nhìn thấu được những lời nói dối của Ponzi và không giúp hắn ta.

Trong cuốn sách của James Walsh, ông đã cho in lại lời nói của McMasters về sự sụp đổ của đế chế Ponzi: "Bạn không thể lừa dối một người đàn ông trung thực."

Về Ponzi, McMasters đánh giá rằng:"Người đàn ông này là một tên dốt về tài chính. Hắn ngồi gác chân lên bàn hút những điếu xì gà đắt tiền trong hộp đựng kim cương và nói những câu hoàn toàn vô nghĩa về các phiếu hồi đáp. Thực ra hắn khó mà nói được gì hơn…"

Một tháng sau, các nhà quản lý lục soát văn phòng của Ponzi và đương nhiên họ không thể tìm được số lượng lớn các phiếu hồi đáp qua bưu điện.

Vì đã gửi thư thông báo cho các nhà đầu tư về hiệu quả của các "khoản đầu tư", Ponzi phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng vì hành vi lừa đảo qua thư.

Tổng cộng, trong hai bản cáo trạng riêng biệt, chính phủ đã đưa ra 86 cáo buộc chống lại Ponzi. Để đổi lấy một bản án nhẹ nhàng với chỉ 5 năm tù giam, Ponzi đã phải nhận một trong những tội danh này.

Thụ án được khoảng ba năm rưỡi, Ponzi được tại ngoại hầu tra (tại ngoại hầu tra là khi tù nhân được thả ra và đồng ý sẽ hầu tòa.

Cá nhân được tại ngoại hầu tra phải tuân theo các điều kiện nhất định) để hầu tòa và đối mặt với những cáo buộc của nhà nước, và nhận thêm bản án 9 năm nữa.

Nhưng trước khi quay trở lại tù, Ponzi đã trả tiền bảo lãnh để được tại ngoại và bắt đầu thực hiện những vụ lừa đảo mới ở Florida và Texas.

Tuy vậy, cuối cùng Ponzi vẫn bị bắt lại và buộc phải chấp hành toàn bộ bản án.

Sau khi được thả, Ponzi bị trục xuất về Ý và trải qua phần đời còn lại trong cảnh nghèo đói. Ponzi qua đời vào năm 1949 tại Rio de Janeiro và xác của hắn ta được được chôn trong huyệt mộ chung dành cho những người khốn khổ.