Chìa khóa kinh tế số

19/12/2021 07:16 daidoanket.vn

Quá trình chuyển đổi số tại TP Hồ Chí Minh được nhen nhóm từ tháng 7/2020, tuy nhiên chỉ triển khai được hơn nửa năm đã phải chịu đợt càn quét của biến chủng delta dịch bệnh Covid-19. Kể từ cuối tháng 4 kéo dài đến tháng 10 năm nay, thành phố phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá, các sụt giảm chỉ tiêu kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 cũng đã bộc lộ 3 vấn đề lớn mà TP HCM cần phải giải quyết để phục hồi. Thứ nhất là vấn đề quản trị thành phố trong tình hình mới. Kế đến là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu của bộ máy chính quyền. Cuối cùng là giải pháp chuyển đổi kinh tế số để tạo động lực mới cho quá trình phục hồi hậu Covid-19.

Thực tế cho thấy, đổi mới tư duy quản trị thành phố, trên cơ sở ứng dụng những giải pháp công nghệ số để khôi phục và từng bước nâng cao tăng trưởng kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ sống còn đối với TP HCM, nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Trong đó, yếu tố nguồn nhân lực là then chốt, là chủ thể của quá trình chuyển đổi số.

Nói như PGS.TS Vũ Minh Cương - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), TP HCM cần nhanh chóng nhận diện 3 đặc trưng quan trọng để khôi phục vị thế đầu tàu, bao gồm: Tiên phong đột phá, kiến tạo cộng hưởng (năng lực phối hợp) và khám phá tương lai (giải pháp dài hạn).

“Những cái cũ quá thành công, quá thuận lợi dẫn đến trì trệ, chậm đổi mới. Thời gian sẽ trôi qua nhanh, không tận dụng được sẽ chậm tiến là điều chắc chắn, thậm chí nếu không đổi mới được sẽ có lỗi với nhân dân, với thế hệ tương lai” - TS Cương chia sẻ.

Để chuyển đổi số nhanh hơn, nhiều chuyên gia cũng hiến kế TP HCM cần tận dụng giai đoạn chùng xuống của dịch bệnh để tìm hướng giải pháp về trung và dài hạn. Trong đó, phải thừa nhận Covid-19 gây ra những thiệt hại rất nặng nề nhưng chính bối cảnh này mở ra hết sức cấp thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn.

Kinh tế số vừa mới bắt đầu, tuy nhiên người dân và doanh nghiệp tại TP HCM đã cảm nhận được xu hướng của chuyển đổi số đến từng ngóc ngách của cuộc sống, lan tỏa đến từng người, từng nhà, từng lĩnh vực hết sức cụ thể. Việc mua sắm trực tuyến đã gia tăng đến 30% kể từ khi đợt bùng phát thứ 4 đại dịch Covid-19 vừa bắt đầu. Điều đó cho thấy, nền “kinh tế đầu tàu” phải cấp thiết thúc đẩy kinh tế số.