Chạy bộ bằng… giày ảo giá nghìn đô

21/05/2022 06:10 daidoanket.vn

Để sở hữu một đôi giày ảo cho việc chạy bộ kiếm tiền, người chơi phải bỏ ra số tiền lên đến trên 20 triệu đồng. Hình thức kiếm tiền này được giới chuyên gia nhìn nhận là biến tướng của đa cấp, người chơi dễ gặp phải các rủi ro, thậm chí mất trắng…

Chạy bộ thật bằng giày ảo

Gần đây, trên các hội nhóm mạng xã hội nở rộ thông tin về trào lưu kiếm tiền mới: “move to earn” (di chuyển để kiếm tiền). Chỉ cần gõ cụm từ “đi bộ kiếm tiền”, “chạy bộ kiếm tiền”, có đến hàng chục hội nhóm trên Facebook sẽ hiện ra với số lượng thành viên đông đảo, từ vài ngàn đến cả vài chục ngàn thành viên tham gia.

Trên các hội nhóm này, người chơi đều sử dụng một ứng dụng chạy bộ kiếm tiền có tên StepN. Theo đó, StepN là ứng dụng do công ty Satoshi Lab phát triển, được xây dựng trên hệ sinh thái Blockchain Solana. Để bắt đầu, người chơi phải mua những đôi giày ảo NFT (một đơn vị dữ liệu trên sổ cái kỹ thuật số blockchain), trong đó, chi phí thấp nhất để sở hữu một đôi giày ảo này có giá tương đương khoảng 20 triệu đồng. Mức giá này cũng liên tục dao động theo thị trường. Ngoài ra, người chơi cũng có thể mua bán, nâng cấp các vật phẩm, chỉ số của đôi giày.

Có 4 loại giày bao gồm: Giày Walker (1-6 km/h), Giày Jogger (4-10 km/h), Giày Runner (8-20 km/h), Giày Trainer (1-20 km/h). Với 4 mức giá khác nhau, người chơi có thể lựa chọn phụ thuộc vào sự phân cấp của nhiều yếu tố như số năng lượng, độ hiếm, quãng đường có thể di chuyển… và số tiền có thể kiếm được mỗi lần chạy.

Hàng loạt hội nhóm “khủng” trên mạng xã hội liên quan đến trào lưu đi bộ, chạy bộ kiếm tiền.
Hàng loạt hội nhóm “khủng” trên mạng xã hội liên quan đến trào lưu đi bộ, chạy bộ kiếm tiền.

Ứng dụng này sử dụng 2 đồng token. Trong đó, GST là token tiện ích có nguồn cung không giới hạn, dùng để trả cho việc đi bộ của người tham gia, hoặc để nâng cấp tương ứng, giá hiện hành đang là 2,91USD/1 đồng GST. Người chơi có thể đổi GST thành các loại tiền mã hóa khác hoặc đổi sang tiền mặt thông qua sàn giao dịch điện tử toàn cầu (Binance). Còn GMT là token quản trị có nguồn cung hạn chế ở mức 6 tỷ coin.

Sau khi đã sở hữu một đôi giày, mỗi ngày ứng dụng sẽ cho người dùng 2 năng lượng, cứ 6 tiếng lại hồi 0,5 năng lượng. Khi di chuyển, mức năng lượng và chỉ số “độ bền ảo” của giày sẽ giảm xuống. Đổi lại, sau khi dùng hết năng lượng, người chơi sẽ nhận được số GST tuỳ theo từng loại giày (thông thường từ 8-12 GST). Theo như hứa hẹn, người chơi mới có thể kiếm được từ 20-30 USD mỗi ngày.

Nguyên lý hoạt động của ứng dụng cũng khá đơn giản, cụ thể, trong lúc đi bộ, chạy, cảm biến chuyển động trên điện thoại sẽ tính toán mức độ chuyển động để thưởng token, với token nhận được, người dùng có thể mang lên sàn bán lấy USDT (đồng tiền điện tử được phát triển trên hệ thống Blockchain Bitcoin). Hoặc cũng có thể đổi token ra NFT rồi hô hào, kêu gọi mọi người chạy cùng để kiếm tiền, “ăn lãi kép”.

Do vậy, nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn mua nhiều giày ảo hoặc nâng cấp giày hiện có rồi lên các hội nhóm, diễn đàn thuê người chạy bộ, trả lương cho họ theo quãng đường hoặc thời gian để kiếm thêm thu nhập.

Biến tướng của đa cấp

Do đánh thẳng vào tâm lý của nhiều người dân vừa muốn rèn luyện sức khoẻ lại vừa có thể kiếm được tiền một cách đơn giản, ứng dụng nhanh chóng lập “kỷ lục” khi số lượng người chơi tăng lên chóng mặt. Theo đó, lượng thành viên trên các hội nhóm chạy bộ kiếm tiền cũng tăng theo cấp số nhân.

Do vậy, ứng dụng yêu cầu người chơi mới phải có mã giới thiệu của người cũ. Trên các hội nhóm chạy bộ kiếm tiền, mỗi ngày cũng rầm rộ các bài đăng, bình luận xin mã kích hoạt cho tài khoản mới.

Chạy bộ bằng… giày ảo giá nghìn đô - Ảnh 1
Liên tiếp xuất hiện các bài đăng mua bán, nâng cấp giày ảo.
Liên tiếp xuất hiện các bài đăng mua bán, nâng cấp giày ảo.

Trên thực tế, loại hình này không khác nào một mô hình trò chơi đa cấp biến tướng. Theo đó, số người kiếm tiền nhiều hơn số người chi tiền, vì vậy số tiền nhận được của người chơi trước thực chất đến từ những người chơi sau.

Ông Nguyễn Hoàng Kiên, một nhà đầu tư tự do tại Hà Nội cho biết, việc ngay từ đầu đã phải bỏ ra số tiền khá lớn để sở hữu đôi giày ảo đã tồn tại nhiều rủi ro vì tiền bỏ ra là thật, trong khi số tiền kiếm về lại là tiền ảo. Ngoài ra, người chơi phải tự tính toán sao cho nhanh chóng thu hồi vốn và đạt lợi nhuận nhanh nhất. Trong khi giá GST thì lại luôn biến động nên rủi ro rất cao.

“Đó còn chưa kể, tính bền vững của dự án không được đảm bảo. Nhất là khi đây mới là thời gian đầu phát triển nên nhiều người chơi hào hứng, chi tiền mua giày nhiều. Sau một thời gian hoàn vốn, chán chạy, người chơi có thể bán tháo giày ảo hoặc token, khi đó sàn có thể sập bất cứ lúc nào, thiệt hại dồn hết về những người chơi sau”, ông Kiên đánh giá.

Một số chuyên gia về tài chính cũng nhận định, bản thân mô hình kinh tế của ứng dụng StepN đã được coi là thiếu ổn định nếu thời gian sắp tới không có sự nâng cấp. Do vậy, người chơi luôn phải chuẩn bị sẵn tâm thế thua lỗ khi tham gia dưới góc độ đầu tư.

Để có thể tham gia, người chơi bắt buộc phải có mã giới thiệu từ người chơi cũ.
Để có thể tham gia, người chơi bắt buộc phải có mã giới thiệu từ người chơi cũ.

Ngoài ra, các hoạt động liên quan đến đầu tư tiền mã hóa hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Đặc biệt, các loại giao dịch liên quan đến tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính. Do vậy, khi xảy ra bất cứ vấn đề nào, người chịu thiệt vẫn chỉ là người dùng.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội khẳng định, hoạt động của ứng dụng di chuyển kiếm tiền StepN giống với một mô hình kinh doanh đa cấp. Theo đó toàn bộ các vật phẩm trong ứng dụng được xây dựng trên nền tảng kỹ thuật số, là vật phẩm ảo. Cả nhà sản xuất và người tham gia đều không có hoạt động tạo ra giá trị thực cho xã hội (như vật chất hay dịch vụ có ích) để trao đổi ngang giá, mà toàn bộ mạng lưới này đều hoạt động dựa trên việc trao đổi vật phẩm ảo.

Việc người dùng có thể “chạy để kiếm tiền” sẽ chỉ được thực hiện sau khi “mua giày” với giá thành rất cao (khoảng vài chục triệu đến vài tỷ VNĐ khi quy đổi từ tiền ảo). Thị trường này phát triển và lớn mạnh nhờ vào nguồn đầu tư của người dùng. Như vậy, việc người dân đầu tư những khoản tiền lớn nhằm mua giày, sau đó chạy để kiếm tiền, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, bởi theo quy định hiện hành, “giày ảo” nói riêng và các loại tiền ảo nói chung đều không được coi là tài sản được quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015.

Do đó, toàn bộ các giao dịch mua bán liên quan đến tiền ảo đều không được coi là giao dịch dân sự hợp pháp. Điều này dẫn đến việc khi có tranh chấp, lừa đảo hoặc khi hệ thống “sập”, việc người tham gia vào hệ thống này có thể lấy lại được số tiền đã đầu tư là hoàn toàn không khả thi. Thậm chí, việc sử dụng tiền ảo để mua bán “giày ảo” còn có thể bị coi là trái pháp luật, tuỳ tính chất mức độ hành vi mà bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vì vậy, luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo, người dân nên cân nhắc kỹ khi quyết định đầu tư, đồng thời cần tìm hiểu kỹ các thông tin, nắm rõ bản chất vận hành của hệ thống mà mình có ý định đầu tư cũng như các rủi ro gặp phải.