Chặn hành vi cho vay nặng lãi, uy hiếp 'con nợ'

03/03/2023 06:20 daidoanket.vn

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố nhóm 6 bị can chuyên cho vay nặng lãi. Kết quả điều tra xác định được, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 9/2021, nhóm này đã cho 14 người vay với tổng số tiền 1,89 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 360 triệu đồng.

Công an khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Nguồn: CACC.

Công an khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Nguồn: CACC.

Nhóm cho vay nặng lãi này gồm: Lê Xuân Chiên (SN 1989), Phạm Văn Thắng (SN 1990), Nguyễn Viết Lãm (SN 1996) cùng trú tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội; Nguyễn Văn Hiếu (SN 1999, trú tại xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, Hà Nội), Bùi Xuân Trưởng (SN 2000, trú tại thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, Hòa Bình), Lê Anh Việt (SN 1997, trú tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) về các tội: cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cố ý làm hư hỏng tài sản.

Theo cáo trạng, tháng 4/2020, Lê Xuân Chiên bắt đầu tổ chức việc cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính dưới hình thức vay lãi ngày (lãi suất từ 3-5 nghìn/1 triệu đồng/ngày tương đương với lãi suất từ 109,5% đến 182,5%/năm) và hình thức bốc bát họ tỷ lệ “10 ăn 8” (người vay tiền chỉ được nhận 80% số tiền vay và trong thời hạn 50 ngày phải trả đủ 100% số tiền vay tương đương với mức lãi suất 146%/năm).

Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 9/2021, Chiên cùng đồng phạm đã cho 14 người vay với tổng số tiền là 1,89 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 360 triệu đồng.

Chiên đã thuê và trả lương cho 5 đối tượng làm nhiệm vụ đi thu tiền và đòi nợ khách vay. Nếu khách vay không trả tiền, Chiên chỉ đạo ném chất bẩn vào nhà để đe dọa, uy hiếp tinh thần khiến người vay phải trả nợ cho nhóm của Chiên.

Quá trình điểu tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã làm rõ việc Lê Xuân Chiên, Phạm Văn Thắng, Nguyễn Viết Lãm cùng Nguyễn Văn Hiếu còn thực hiện 2 vụ cưỡng đoạt tài sản và 1 vụ cố ý làm hư hỏng tài sản; Lê Anh Việt và Bùi Xuân Trưởng thực hiện 1 vụ cưỡng đoạt tài sản.

Hành động của nhóm đòi nợ thuê là ném chất bẩn vào nhà; ghép mặt vợ chồng con nợ và người thân vào hình ảnh quan tài đưa lên Facebook để uy hiếp tinh thần, buộc nạn nhân phải trả nợ.

Thời gian qua, nhiều vụ đòi nợ thuê mang tính xã hội đen, khủng bố uy hiếp tinh thần nạn nhân. Nhiều trường hợp các nhóm đòi nợ thuê còn phá hủy tài sản, dọa giết con nợ, người thân con nợ, gây bất an trong xã hội.

Ngay trước vụ cơ quan chức năng truy tố nhóm 6 bị can chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ bằng hình thức khủng bố ở Hà Nội kể trên, thì Công an Tiền Giang phối hợp với Công an TPHCM và Bộ Công an đã triệt phá băng nhóm đòi nợ thuê núp bóng Công ty luật Pháp Việt (trụ sở tại TPHCM) do Trần Văn Châu (43 tuổi) và Hồ Quốc Hùng (36 tuổi, cùng là phó giám đốc) cầm đầu.

Để đòi nợ thuê, băng nhóm này đã liên tục gọi điện thoại đe dọa, khủng bố đến các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen... của những người có liên quan đến bị hại với hành vi đe dọa giết vợ con, người thân. “Công ty” được các ngân hàng và công ty tài chính trả cho 25-35% trên tổng số tiền thu được.

Đáng chú ý, các bị hại ở nhiều địa phương, trong đó có Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ. Bằng nhiều hành vi khủng bố, chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền các nghi phạm đã thu được là gần 1.000 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan điều tra xác định có khoảng 3 triệu người ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước là nạn nhân của các nghi phạm trong tổ chức tội phạm “núp bóng” Công ty luật Pháp Việt.

Vậy, việc đứng tên công ty luật đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, luật sư có bị xử lý?

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, dịch vụ đòi nợ thuê là trái luật vì quy định này đã được thể chế hóa tại điều 6 Luật Đầu tư năm 2020. Vì là hành vi bị cấm, nên có chế tài để xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng đối với cá nhân, với tổ chức thì phạt gấp đôi.

Ông Công lưu ý, đòi nợ thuê mà Luật Đầu tư cấm là dịch vụ thuần túy đòi nợ và bên thực hiện hoạt động đòi nợ không có chức năng đòi nợ mà pháp luật cho phép.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM), pháp luật Việt Nam không cho phép tổ chức hay cá nhân lợi dụng danh nghĩa công ty luật thông qua dịch vụ "xử lý nợ xấu" để hoạt động đòi nợ thuê trái pháp luật. Với trường hợp luật sư cho thuê văn bằng, chứng chỉ luật để người khác thực hiện hàng loạt hành vi trái pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn luật sư từ 6 - 24 tháng; xóa tên khỏi danh sách luật sư của đoàn luật sư.

"Ngoài việc bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật" - luật sư Hậu cho biết.

Theo Đại tá Trần Văn Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM, người dân không nên vay tiền qua các app, các trang mạng xã hội. Nếu người dân bị đối tượng đòi nợ với phương thức thủ đoạn "khủng bố", nên ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, hình ảnh cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho công an làm cơ sở xử lý, can thiệp. Ông Hiếu cũng cho biết, công an sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý, đánh mạnh vào hoạt động phạm tội cho vay lãi nặng, phát hiện ngay từ sớm, không để phát sinh các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác có nguyên nhân từ "tín dụng đen".