Cần nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi số

09/05/2022 09:06 daidoanket.vn

Tiến Sỹ Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy sự thúc đẩy toàn diện của nền kinh tế số, vai trò của các nền tảng được thể hiện rất rõ.

Ông Vũ Tiến Lộc.  
Ông Vũ Tiến Lộc.  

Theo Tiến Sỹ Vũ Tiến Lộc, sự xuất hiện của Covid-19 trên toàn thế giới đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, là động lực thúc đẩy cho chuyển đổi số: thương mại được cải thiện, thiết lập những tiêu chuẩn quốc tế để người tiêu dùng, doanh nghiệp tham gia, và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Nền tảng số trong thời gian dịch bệnh đã giúp người dân tiếp cận với nhiều dịch vụ, giúp kết nối, giúp cho doanh nghiệp đa dạng hóa các mặt hàng và nguồn thu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - dễ bị tổn thương.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đề cập đến chuyển đổi số là nói đến việc tiếp cận hàng hóa, dịch vụ trở nên thuận tiện hơn và dễ dàng hơn, với mức độ minh bạch, thông tin ngày càng cao thông qua các nền tảng số, khoảng cách địa lý ngày càng mờ nhạt. Bên cạnh đó là việc trải nghiệm niềm tin an toàn trong mua sắm, trong thương mại. Nền tảng số đã giúp người dân duy trì được cuộc sống, bảo đảm an toàn trong giai đoạn giãn cách xã hội...

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, thông qua nền tảng số có thể tiếp cận khách hàng rộng khắp hơn, thậm chí nhiều doanh nghiệp lần đầu có thể xuất khẩu nhờ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Kinh tế số đã làm thế giới nhỏ lại, nhưng lại giúp doanh nghiệp nhỏ lớn lên và vượt qua bất lợi về quy mô. Chính vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp sống còn hiện nay đối với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khái niệm kinh tế số cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn thay vì chỉ đặt các mô hình kinh doanh cũ lên môi trường số. Theo đó, các doanh nghiệp cần thay đổi căn bản cả mô hình kinh doanh của mình, từ đó tạo ra sự nhảy vọt về năng suất và năng lực cạnh tranh. Việc chuyển đổi số của doanh nghiệp cần tiếp cận theo xu hướng đó chứ không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ số.

Ngày 12/11/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, trong đó có nội dung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, Chính phủ cũng tăng cường thúc đẩy quá trình chuyển đổi số với mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra 5 nhóm mục tiêu đến năm 2025 gồm: cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia.

Tuy nhiên, khái niệm nền tảng số, các chính sách, cũng như môi trường để thúc đẩy và phát triển tối đa vai trò của nền tảng số tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, kinh tế Việt Nam về cơ bản là kinh tế tuyến tính. Do đó, cần phải phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số song song cùng lúc. Các nền tảng chính là phương tiện giúp chúng ta triển khai đồng thời nền kinh tế “3 trong 1” đó.

Có thể nói, gần như toàn bộ hệ thống pháp lý của Việt Nam hiện chủ yếu phục vụ quản lý nhà nước đối với kinh tế truyền thống. Bởi vậy, khi thay đổi phương thức hoạt động của nền kinh tế chắc chắn kéo theo thay đổi hành lang pháp lý. Ví dụ như kinh tế tuyến tính xem rác là chất thải bỏ đi, còn tốn tiền để xử lý, còn nền kinh tế tuần hoàn thì xem rác là nguồn tài nguyên cho 1 quy trình sản xuất mới. Vậy là chính sách về xử lý môi trường phải thay đổi.

Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất là trong quá trình chuyển đổi số và ứng dụng nền tảng số là sự xuất hiện của các cơ chế tự động thông minh trong quy trình sản xuất, từ quan hệ khách hàng đến văn hóa doanh nghiệp, chế độ, chính sách đối với người lao động,… trong đó có những hoạt động chưa có luật hướng dẫn.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, Tiến Sỹ Vũ Tiến Lộc cho biết: Thời gian qua, Chính phủ các nước như Singapore hay Malaysia đã có nhiều chính sách, sáng kiến để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phát triển. Với Việt Nam, Chính phủ cũng đã có chương trình hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ còn hạn chế, đặc biệt là trong hỗ trợ kinh doanh.

Vì vậy, cần nghiên cứu và có các chính sách cụ thể và tiến hành dài hơi, bài bản hơn để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số. Về phần doanh nghiệp, trách nghiệm của doanh nghiệp là đổi mới mô hình kinh doanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó tập trung cho những công nghệ mới, chuyển đổi số nhanh chóng.