BIDV ghi nhận lợi nhuận tăng gấp rưỡi trong năm 2021, nợ có khả năng mất vốn giảm cực mạnh, dự phòng bao nợ xấu tăng vọt

02/02/2022 07:00 toquoc.vn

Báo cáo tài chính quý 4 cho thấy, nợ xấu nội bảng của BIDV vào cuối năm 2021 đã giảm hơn 8.125 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương giảm 38% xuống còn 13.245 tỷ đồng.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm gần 9.546 tỷ, xuống mức 6.979 tỷ; nợ nghi ngờ tăng 989 tỷ, lên 3.451 tỷ; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 18% ở mức 2.814 tỷ.

Riêng quý 4, nợ có khả năng mất vốn của BIDV giảm hơn 6.900 tỷ, nợ nghi ngờ tăng 303 tỷ và nợ dưới tiêu chuẩn giảm 1.590 tỷ.

Nợ có khả năng mất vốn BIDV giảm mạnh trong bối cảnh ngân hàng này đã sử dụng hơn 19.344 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Con số này tăng hơn 2.500 tỷ so với năm 2020.

Với khối dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên tới 29.055 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV vào cuối năm 2021 đạt 219%, mức cao nhất trong lịch sử.

BIDV cho biết đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, trong đó đã trích đủ 100% dự phòng cho nợ cơ cấu theo các Thông tư 01, 03, 14.

Hết tháng 12, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng 11,6% đạt gần 1,355 triệu tỷ. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm mạnh từ mức 1,76% hồi đầu năm xuống còn 0,98%.

Nguồn: BCTC quý 4.

Về kết quả kinh doanh, năm 2021, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của BIDV đạt gần 10.879 tỷ đồng, tăng 50,6% so với năm 2020.

Trong năm qua, hầu hết các mảng kinh doanh chính của ngân hàng đều tăng trưởng. Theo đó, thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính với 46.818 tỷ đồng, tăng 30,8% và chiếm hơn 3/4 tổng thu nhập hoạt động.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, chứng khoán kinh doanh và thu nhập góp vốn, mua cổ phần cũng tăng trưởng ở mức hai con số, mang về hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, BIDV còn ghi nhận 6.060 tỷ từ hoạt động kinh doanh khác với phần lớn đến từ việc thu hồi nợ xấu.

Ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm hơn 84% xuống còn gần 237 tỷ. Đây cũng là mảng kinh doanh duy nhất chứng kiến sự đi xuống trong năm vừa qua.

Tựu chung năm 2021, tổng thu nhập hoạt động ngân hàng đạt 50.037 tỷ đồng, tăng 24,7%. Sau khi trừ chi phí hoạt động 19.361 tỷ và chi phí dự phòng rủi ro 29.432 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt trên 13.600 tỷ, tăng 50,7%.

Kết quả kinh doanh BIDV trong năm 2021

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của BIDV tăng mạnh hơn 16% đạt 1,76 triệu tỷ. Số dư tiền gửi khách hàng vượt 1,38 triệu tỷ, tăng 12,5%.

Trong năm 2021, có 4 "siêu chi nhánh" của BIDV mang về lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/chi nhánh là chi nhánh Hà Nội, chi nhánh Hà Thành, chi nhánh Sở giao dịch 1, chi nhánh Thanh Xuân.

Mức lợi nhuận này cao hơn nhiều ngân hàng quy mô nhỏ, ngang ngửa một số ngân hàng tầm trung.

Năm 2021, ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thành công lên 50.585 tỷ đồng, tăng 10.365 tỷ đồng so với năm 2020, giữ vững vị trí đứng đầu trong các ngân hàng thương mại cổ phần. Vốn chủ sở hữu đạt 81.065 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2020. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2021 tăng 8% so với năm 2020.

Hoạt động các công ty con, công ty liên doanh, liên kết năm 2021 ghi nhận kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế Khối công ty con đạt 1.094 tỷ đồng, vượt 56% kế hoạch năm 2021, tăng 47% so với năm 2020.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm âm lịch (28/1/2022), thị giá cổ phiếu BID dừng ở mức 47.950 đồng, tăng hơn 29% sau 19 phiên giao dịch đầu năm.