Bất chấp khó khăn, PVI ước đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng

18/12/2021 08:54 toquoc.vn

Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PVI, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế nói chung trong đó có hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính. Trong 2 năm vừa qua hệ thống hơn 2.500 cán bộ của PVI đã phải rất vất vả để thực hiện chiến lược kinh doanh nhưng cũng đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của PVI khi đạt được những thành quả nhất định. Doanh nghiệp dự kiến sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Được biết, doanh thu hợp nhất ước thực hiện năm 2021 của PVI đạt hơn 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm. Đặc biệt, cổ tức năm 2021 dự kiến sẽ chi trả cao hơn mức ĐHĐCĐ giao (24%).

PVI cũng tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro, kiểm soát tuân thủ.

Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục giữ vững và duy trì vị trí số 1 thị trường về bảo hiểm công nghiệp và hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ, PVI là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất lọt top 50 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.

Lĩnh vực tái bảo hiểm tiếp tục phát triển đúng định hướng, đã thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và nới room nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư, quản lý tài sản tiếp tục khẳng định vị trí là lĩnh vực then chốt, đảm bảo an toàn nguồn vốn, tài sản và có đóng góp lớn vào hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống.

Tại cuộc họp, bà Trần Thu Hà, Giám đốc Ban chiến lược PVI Holdings nêu ra 4 động lực tăng trưởng chủ yếu của PVI trong năm 2021 đó là: lợi thế thương hiệu của các cổ đông chiến lược (PVN, HDI, IFC) và bản thân PVI. Tiếp đến là thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số; Linh hoạt hơn trong kinh doanh và phân bổ nguồn lực và cuối cùng là tái cơ cấu chi phí nhằm tối đa hóa khả năng tiết giảm chi phí. Ngoài ra bà Trần Thu Hà cũng chia sẻ những nhân tố tích cực đảm bảo cho mục tiêu kinh doanh của năm 2022.

Bên cạnh đó, tại hội nghị các nhà đầu tư, đại diện PVI đã trình bày về cơ hội đầu tư vào mã chứng khoán mới PVIRe- Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI.

Chính sách gắn thu nhập với hiệu quả công việc

Nói về thành quả của năm 2021, ông Nguyễn Xuân Hòa cho rằng, yếu tố chính sách chiếm tỷ lệ quan trọng, cụ thể 2 năm qua, PVI đã có chính sách động viên nhân viên trên toàn bộ hệ thống, gắn thu nhập của người lao động vào lương thưởng và chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI), việc này ngay lập tức đã mang lại hiệu quả rất cao.

"Người lao động có sự tự giác trong việc hoàn thành công việc và cạnh tranh trong các đơn vị. Chúng tôi cho sáp nhập 2 chi nhánh thành viên vào một, điều chuyển giám đốc chi nhánh miền này sang miền khác là điều bình thường. Nếu chi nhánh nào hoạt động không hiệu quả, chúng tôi cho giải thể. Những việc này trước đây rất khó thực hiện nhưng nay mang lại hiệu quả ngay lập tức"- ông Nguyễn Xuân Hòa nói.

Liên quan tới việc thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại PVI, ông Nguyễn Xuân Hòa cho hay, hiện việc này đang tạm dừng và các cơ quan của Chính phủ đang xem xét. Dù vậy, PVN vẫn tuân thủ theo hướng thoái vốn khỏi PVI.

Năm 2022, theo ông Nguyễn Xuân Hòa, PVI vẫn sẽ làm tốt thị trường Trung ương và ngoài Bắc, mở rộng và phát triển mạnh mẽ thị trường phía Nam. Công ty cũng áp dụng đưa vào các loại hình quỹ mới để công ty quản lý quỹ có sự phát triển về chất. PVI Holdings cũng vẫn sẽ áp dụng chính sách thúc đẩy, khuyến khích hoạt động kinh doanh trên tinh thần đôi bên cùng có lợi chứ không phải là để bắt lỗi nhân viên.

Từ Hanover, Đức, Chủ tịch HĐQT PVI Jens Holger Wohlthat chia sẻ, năm 2022, điều quan tâm nhất của PVI là làm việc với ban điều hành để thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, tạo dòng tiền ổn định chi trả lợi tức hàng năm.

"Với tư cách nhà đầu tư dài hạn, tôi rất hài lòng với đội ngũ ban điều hành của các công ty trong hệ thống, HDI sẽ tiếp tục hỗ trợ PVI không chỉ vì lợi ích của cổ đông lớn mà là vì lợi ích của tất cả các cổ đông"- Ông Jens Holger Wohlthat nói.

Năm 2021, PVI cũng thay đổi về cơ cấu cổ đông, trong đó HDI Global chiếm 37,68% tỷ lệ sở hữu vốn và có sự xuất hiện của một cổ đông mới IFC- 1 thành viên của Ngân hàng Thế giới.

Trong tháng 10/2021, PVI đã bán thành công toàn bộ 10.723.300 triệu cổ phiếu quỹ, qua đó tạo ra hơn 200 tỷ đồng thặng dư vốn và bổ sung 500 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư cho công ty mẹ.

Trong năm 2021, giá và thanh khoản của cổ phiếu PVI được cải thiện đáng kể. Điều này đã thể hiện rõ nét sự quan tâm của thị trường đối với cổ phiếu PVI, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.