Báo động công chức, viên chức xin thôi việc: Vì đâu nên nỗi?

19/08/2022 06:00 daidoanket.vn

Môi trường đãi ngộ tốt, chính sách lương hợp lý và cơ hội thăng tiến công bằng chính là những giải pháp để giữ chân người tài trong cơ quan nhà nước. Ảnh: Quang Vinh

Môi trường đãi ngộ tốt, chính sách lương hợp lý và cơ hội thăng tiến công bằng chính là những giải pháp để giữ chân người tài trong cơ quan nhà nước. Ảnh: Quang Vinh

Con số tăng đáng báo động

Dẫu ở thời điểm hiện tại, Bộ Nội vụ chưa có thống kê đầy đủ về số lượng công chức, viên chức xin thôi việc trên phạm vi cả nước vì đang trong quá trình tổng hợp từ các bộ, ngành địa phương song theo đánh giá tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc đang tăng từng ngày, và đáng báo động.

Một lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, phải đủ báo cáo từ 63, tỉnh thành mới thống kê được đầy đủ và chính xác, nhưng mỗi ngày đều nhận được 1-2 báo cáo của các tỉnh, thành gửi về.

Tình trạng nhiều địa phương báo cáo về việc cán bộ công chức, viên chức xin thôi việc đang cho thấy nhiều lo ngại.

Trong văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022, cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng là 6.177 người. Cụ thể, có 676 cán bộ, công chức thôi việc và 5.501 viên chức thôi việc theo nguyện vọng.

Viên chức thôi việc nhiều nhất là trong khối giáo dục với 2.436 trường hợp, y tế là 2.145 trường hợp; trong khi các lĩnh vực sự nghiệp khác chỉ có 920 trường hợp.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, có 3 nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bao gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tiềm ẩn và các dịch bệnh khác đang có khả năng bùng phát thì tình trạng nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập nghỉ việc với số lượng lớn, nhất là tuyến huyện, xã xin nghỉ việc tương đối nhiều, dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong ngành y tế, nhất là y tế cơ sở.

Báo cáo mới đây từ Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy, tính từ năm 2021 và 6 tháng năm 2022 đã có gần 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc.

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức trong ngành y thôi việc, bỏ việc cao như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng.

Tương tự y tế là giáo dục khi tình trạng “khát” giáo viên ngay trước thềm năm học mới đang diễn ra tại một số tỉnh, thành.

Đơn cử, theo thống kê năm học 2022-2023 Nghệ An còn thiếu 6.000 giáo viên.

Điều này đang cản trở trong việc đẩy mạnh chất lượng giáo dục đặc biệt theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Còn tại Bình Dương, năm học 2022-2023, tỉnh này thiếu trên 3.000 giáo viên; thế nhưng, chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 1 đến tháng 4/2022 tỉnh đã có 527 giáo viên nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là lương giáo viên chưa đảm bảo cho cuộc sống.

Cảnh báo

Đánh giá về tình trạng trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, tình trạng cán bộ công chức, viên chức xin thôi việc xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, trong đó gần đây nhiều nhất là y tế và giáo dục.

Theo ông Phúc, đây thực sự là vấn đề phải suy nghĩ.

Kinh tế thị trường phát triển là một cuộc cạnh tranh, trong đó có vấn đề nhân lực. “Không tìm mọi cách giữ người thì cán bộ, công chức sẽ chuyển sang khu vực tư nhân” - ông Phúc lo ngại.

Là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hành chính công, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho hay, tình trạng trên đã “âm thầm” diễn ra 10 năm nay và đến nay thì tăng nhiều hơn.

Ông Đồng phân tích: Hai động lực lớn nhất để công chức gắn bó trong lĩnh vực công là “được cống hiến và thăng tiến” nhưng nếu “thăng tiến” không được đảm bảo, không công bằng vì lý do: quan hệ; tiền tệ nên nhiều người tài không được trọng dụng. Trong khi đó, chế độ lương thì thấp, không đảm bảo cuộc sống.

“Trước đây kinh tế tư nhân hạn hẹp, họ không thể ra ngoài, phải ở trong Nhà nước. Nhưng những năm gần đây kinh tế tư nhân phát triển, sự phát triển tại các đô thị cũng tạo ra nhiều việc làm hơn. Đây là môi trường có cơ hội thăng tiến và chế độ lương bổng cao hơn nên công chức, viên chức chuyển sang làm việc cho tư nhân” - ông Đồng cho hay.

Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, cũng như người sử dụng lao động có quyền lựa chọn lao động có tay nghề cao, có năng lực và trách nhiệm, giỏi chuyên môn, thì người lao động cũng có quyền lựa chọn tìm kiếm việc làm có lương cao, môi trường và điều kiện làm việc tốt, phù hợp với nghề nghiệp, năng lực, sở trường của mình.

Trong kinh tế thị trường, nơi nào có sức hấp dẫn, có môi trường tốt, tạo được động lực làm việc, có chế độ tiền lương phù hợp, đảm bảo cuộc sống, phát huy được năng lực, sở trường của mình thì đều thu hút người lao động.

Cần có ngay các giải pháp để giữ chân cán bộ công chức. Ảnh: Quang Vinh

Cần có ngay các giải pháp để giữ chân cán bộ công chức. Ảnh: Quang Vinh

Phải giữ “người tài”

Để ngăn chặn tình trạng “chảy máu” chất xám, theo ông Thang Văn Phúc, phải tìm nguyên nhân sâu xa, cái gì thuộc về phạm trù chính sách pháp luật, hệ thống quản trị thì phải sửa đổi. Lương thấp, phải cải cách tiền lương.

Môi trường đãi ngộ chưa tốt thì phải có chính sách đãi ngộ cho hợp lý.

“Tại các nước họ coi cán bộ công chức, viên chức là “xương sống” của bộ máy nhà nước.

Vì đó là nơi thiết kế, phát triển chính sách, thực thi chính sách. 

Chính sách phát triển của mỗi quốc gia đều nằm ở đó cả” - ông Phúc nêu rõ.

Để “giữ người”, theo ông Nguyễn Quang Đồng, cần nâng tổng quỹ ngân sách chi cho lương để tăng lương, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch tiền lương giữa khu vực công - tư.

Muốn vậy cần thực hiện tinh giản biên chế.

“Chảy máu chất xám chắc chắn còn diễn ra trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để “giữ chân người tài” chứ không phải giữ người trong khu vực công như thế nào.

Bởi những công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” thì họ lại muốn ngồi lại trong bộ máy vì ra ngoài không cạnh tranh được. Chỉ người giỏi có năng lực mới ra đi. Do đó, cần giữ công chức giỏi.

Nếu mất công chức giỏi là một sự tổn thất rất lớn. Những công chức, viên chức giỏi, có tiềm năng phải quy hoạch, giữ bằng được và trao cơ hội thăng tiến, chứ không phải ưu tiên “con ông cháu cha” - ông Đồng kiến nghị.

Cùng chung quan điểm người xin thôi việc thường là những người có năng lực chuyên môn cao.

Còn người “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” chẳng bao giờ xin nghỉ việc, trừ khi cơ quan đưa họ vào diện tinh giản biên chế, ông Trần Anh Tuấn cảnh báo điều này dẫn đến chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất lượng dịch vụ công sẽ có nguy cơ giảm.

“Tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hiện nay phải được xem xét, nghiên cứu nghiêm túc để khắc phục. Cần có ngay các giải pháp để giữ lại trong đội ngũ công chức, viên chức những người làm được việc để họ gắn bó lâu dài với khu vực công. Tiếp tục tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Đảng, đào thải những người không làm được việc và mời tuyển những người làm việc tốt, có tâm, có tài về thay thế” - ông Tuấn kiến nghị.


Báo động công chức, viên chức xin thôi việc: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí:

Cần hoàn thiện chính sách về chế độ, bổ nhiệm cán bộ

Đang có hiện tượng nhiều cán bộ công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực, đặc biệt là ngành y và giáo dục xin nghỉ việc, thậm chí có những giáo sư, hiệu trưởng tâm sự với tôi rằng cũng đang muốn xin thôi việc.

Qua đi giám sát tôi thấy nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu do chế độ chính sách chưa thỏa đáng với công sức mà họ bỏ ra, rồi cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Hay như cơ sở vật chất, trang thiết bị không đáp ứng được cũng cản trở sự cống hiến của họ, trong khi khối tư nhân lại luôn đáp ứng được nhu cầu để người tài cống hiến. Việc thiếu giáo viên giỏi, bác sĩ giỏi sẽ vô cùng thiệt thòi cho người dân. Do đó các cơ quan nhà nước cần đặc biệt xem lại vấn đề này.

Về giải pháp, theo tôi cần hoàn thiện cơ chế chính sách về chế độ, điều kiện, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Quy định lại biên chế để giảm bớt áp lực do quá căng thẳng vì ít người. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định về vấn đề tự chủ, xã hội hoá, đào tạo cán bộ để có hành lang pháp lý, bảo vệ họ khi họ làm việc, tránh bị sai phạm.

Báo động công chức, viên chức xin thôi việc: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung:

Quan tâm tới cơ chế đánh giá cán bộ

Khi kinh tế xã hội phát triển thì tiền lương ở khu vực tư cao hơn khu vực công.

Như Hàn Quốc họ không mặn mà khu vực nhà nước mà chuyển sang khu vực tư nhân. Còn tại nước ta, vấn đề này xảy ra chủ yếu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Có cơ hội làm việc tốt thì họ chuyển sang.

Tại Phú Thọ, giáo viên mầm non phải làm việc 12h/ngày nhưng lương rất thấp, chỉ 1,7 triệu đồng-2 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó đi làm công nhân lương 5-7 triệu đồng/tháng. Cho nên tự nhiên có sự so sánh và lựa chọn.

Để tránh tình trạng chảy máu chất xám theo tôi cơ chế đãi ngộ cũng chỉ là một phần.

Còn quan trọng là cơ chế đánh giá cán bộ, ghi nhận sự cống hiến của họ để động viên, khích lệ kịp thời.