20 gia tộc giàu nhất châu Á sở hữu 463 tỷ USD, đáng ngạc nhiên nhất là tham vọng của gia tộc đứng đầu

30/11/2020 09:55 toquoc.vn

Đầu tháng 9 vừa qua, một trong những gia tộc giàu nhất thế giới đã tụ họp tại 1 khu nghỉ dưỡng nằm ở độ cao chót vót so với hồ Lucerne.

Mukesh Ambani, tỷ phú giàu nhất và cũng có thể nói là quyền lực nhất Ấn Độ, đang đi nghỉ cùng với vợ và con cháu tại khu resort Burgenstock khi đế chế Reliance Industries của nhà Ambani đối mặt với thời khắc quan trọng.

Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu chao đảo và Mumbai – nơi gia tộc Ambani sinh sống trong toà tháp 27 tầng có tên Antilia – đang bị tấn công bởi làn sóng lây nhiễm. Tuy nhiên bất chấp hoàn cảnh đầy khó khăn, tỷ phú Ambani vẫn có được những hợp đồng béo bở với những ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới mà theo đó ông sẽ bán cổ phần tại mảng kỹ thuật số của Reliance để thu về hang chục tỷ USD. Vài ngày sau đó, mảng bán lẻ của tập đoàn cũng thông báo huy động được nhiều tỷ USD.

Vị tỷ phú 63 tuổi đang có tham vọng biến tập đoàn vốn mạnh nhất về lọc hoá dầu trở thành 1 gã khổng lồ công nghệ, nhưng các nhà đầu tư đang bắt đầu suy nghĩ về 1 câu hỏi quan trọng: ai sẽ là người tiếp quản tập đoàn?

Từ nhiều tháng nay, truyền thông Ấn Độ đã đồn đoán về 1 cấu trúc mới mà trong đó Ambani vẫn tiếp tục làm việc nhưng 2 người con sinh đôi Isha và Akash cùng với em trai của họ là Anant sẽ được trao nhiều quyền hơn để tiến tới hiện thực hoá kế hoạch thừa kế. 3 người con của ông đều tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu ở Mỹ và đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào công việc kinh doanh của Reliance.

Mấy năm gần đây, khi mà tài sản cũng như tầm ảnh hưởng của nhà Ambani tăng vọt, gia tộc này đã chiếm lấy vai trò to lớn trong đời sống kinh tế và văn hoá của châu Á. Họ không ngại ngần thể hiện sự giàu có – dù qua đám cưới hoành tráng, những buổi tiệc tùng có những khách mời nổi tiếng như ca sĩ Beyonce hay những chuyến du lịch xa xỉ bao trọn những phòng sang nhất. Và nổi bật nhất phải kể đến tập đoàn Reliance Industries với doanh thu hàng năm đạt gần 90 tỷ USD và khoảng 195.000 nhân viên.

Hiện gia tộc Ambani giàu hơn gấp đôi so với gia tộc giàu thứ 2 châu Á – nhà Kwoks của Hồng Kông. Nhà Ambani giàu gấp 3 so với gia tộc Lee của Hàn Quốc và gần gấp 5 so với ngia tộc Torii của Nhật Bản, theo số liệu thống kê của Bloomberg.

Tuy nhiên vấn đề thừa kế mà nhà Ambani gặp phải cũng lớn hơn các gia tộc còn lại. Sóng gió đã ập đến với gia tộc sau khi cha của Ambani cũng là người tạo dựng nền móng của tập đoàn Reliance đột ngột qua đời năm 2002 và không để lại di trúc. Cuộc chiến tranh giành đã nổ ra giữa hai anh em Mukesh và Anil. Cuối cùng mẹ của họ đã can thiệp và đến năm 2005 quyết định tách đôi tập đoàn làm 2 phần. Mảng lọc dầu, hoá dầu thuộc về Mukesh và những thứ mới mẻ hơn - gồm tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và viễn thông thuộc về Anil.

Những năm sau đó Anil đã liên tiếp mở rộng các mảng kinh doanh được giao phó nhưng lại dùng quá nhiều nợ để tài trợ và cuối cùng đã thất bại thảm hại. Tháng 3 năm ngoái, Mukesh đứng ra giải quyết các khoản nợ xấu và cứu em trai thoát khỏi án tù. Tháng 2 vừa qua, trong 1 phiên toà tại London, Anil tuyên bố tài sản của bản thân là con số 0 tròn trĩnh, trong khi năm 2008 Bloomberg ước tính ông có ít nhất 31 tỷ USD.

Bất chấp cú trượt dài của Anil và những ảnh hưởng của Covid-19, tài sản của gia tộc Ambani vẫn tăng hơn 25 tỷ USD so với thống kê năm ngoái, lên 76 tỷ USD. Tổng cộng 20 gia tộc giàu nhất châu Á đã có thêm 10 tỷ USD, lên mức 463 tỷ USD.

Trong số này hơn một nửa các gia tộc bị hao hụt tài sản do các ngành như bất động sản và tài chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nhà Chearavanonts (Thái Lan) mất hơn 6 tỷ USD, trong khi nhà Kwoks mất 5 tỷ USD mà nguyên nhân lớn nhất là do dự luật an ninh mới làm dấy lên sự hoài nghi về vị thế trung tâm tài chính thế giới của Hồng Kông.

Giống như nhà Ambani, các gia tộc khác ở châu Á cũng biết rằng họ phải đa dạng hoá hoạt động kinh doanh và đang chú trọng phát triển mảng công nghệ.

"Các gia tộc có 2 lựa chọn: bảo vệ thị phần và đương đầu với những thay đổi khi chúng ập đến hoặc chủ động tấn công, Neil Waters của công ty tư vấn Egon Zehnder nói.

Tuy nhiên những người siêu giàu còn phải đối mặt với 1 thách thức khác đang nổi lên: chênh lệch giàu nghèo càng trở nên sâu sắc hơn trong bối cảnh đại dịch đã dẫn đến thái độ bất mãn. Ví dụ ở Hồng Kông, thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới, giá thuê vẫn ở mức rất cao bất chấp tỷ lệ thất nghiệp cao nhất 15 năm, đe doạ tiếp tục nổ ra những cuộc biểu tình sau khi thành phố này vẫn sôi sục vì dự luật an ninh mới. Ở Ấn Độ, nơi 68% dân số thậm chí còn chưa đảm bảo được bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày, lệnh phong toả và tình trạng thiếu việc làm khiến không ít người chết đói.

"Kể cả trước khi virus hoành hành, tình trạng chênh lệch giàu nghèo đã gia tăng, hố sâu ngăn cách các tầng lớp trong xã hội ngày càng rộng ra và sự thiếu vắng các cơ hội đã thổi bùng lên sự bất mãn và bất ổn xã hội", Tổng thư ký liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu hôm 16/11 tại diễn đàn Bloomberg New Economy. 

Tham khảo Bloomberg