Xung lực mới từ dòng vốn, bất động sản công nghiệp đang vào guồng đua tăng trưởng?

25/05/2022 06:00 toquoc.vn

Theo số liệu chỉ ra, Việt Nam hiện có 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu công nghiệp đang được quy hoạch.

Điều này cho thấy mức độ phát triển đang diễn ra ở cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và phía Bắc. So với Indonesia, Malaysia và Philippines, giá đất công nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối thấp.

Tại diễn đàn BĐS công nghiệp năm 2022 chủ đề "gỡ điểm nghẽn – đón dòng vốn mới", do báo Đầu tư và Công ty BW Industrial tổ chức sáng 24/5/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới.

Với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.

Ôngg Lance Li, Tổng giám đốc Công ty BW Industrial cũng cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam nhiều triển vọng khi kinh tế trên đà hồi phục, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng khởi sắc. Bất động sản công nghiệp đang có xung lực mới từ nhiều yếu tố.

Cụ thể, kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục sau đại dịch, tình hình giải ngân vốn FDI trong Quý 1/2022 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong năm 5 gần đây. Trong đó, có 78% vốn giải ngân trong Quý 1/2022 được dành cho lĩnh vực sản xuất.

Cùng với đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng đang trên đà phục hồi. Việc Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN năm 2022 với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5%.

Đây là những yếu tố khiến Việt Nam tiếp tục là "điểm sáng" thu hút các doanh nghiệp FDI lớn. Có thể kể đến những thương hiệu nổi tiếng như: LG, Samsung, Nike, LEGO, Pandora…

Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng đối với dòng vốn đầu tư toàn cầu nhờ môi trường chính trị, kinh doanh ổn định và việc thực hiện hiệu quả các biện pháp quyết liệt nhằm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa thích ứng an toàn với dịch bệnh, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn đang dồn sự chú ý tới Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung ứng và dịch chuyển địa điểm đầu tư, kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu rất lớn đối với cơ sở hạ tầng, trong đó có những ngành vốn đang rất sôi động như logistics, Bất động sản công nghiệp…

Ông Pao Jirakulpattana, Phó Chủ tịch Warburg Pincus (Singapore) cũng cho hay, về dài hạn, Việt Nam nên tiếp tục phát triển kinh tế trọng điểm, duy trì định hướng trong tương lai để thu hút đầu tư.

"Tôi mới đến Việt nam nhưng thấy mức độ tăng trưởng của Việt nam rất tốt, với định vị như vậy thì Việt Nam là nơi rất tốt để thu hút vốn của nhà đầu tư", Phó Chủ tịch Warburg Pincus chia sẻ.

Vị này cho hay, Việt Nam đang làm rất tốt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể là đã xác định rõ những ngành ưu tiên phát triển tại từng khu vực. Về dài hạn, nên tiếp tục phát triển kinh tế trọng điểm, duy trì định hướng trong tương lai để thu hút đầu tư.

Theo ông Pao Jirakulpattana, Việt Nam thường có kế hoạch phát triển trong 5 năm, 10 năm, 15 năm… nên mọi thứ đều rõ ràng. Do vậy, các nhà đầu tư có thể căn cứ vào kế hoạch phát triển này để lập kế hoạch cho mình.

Tuy nhiên, điểm nghẽn trên thị trường vẫn còn và sẽ cần thêm thời gian để tháo gỡ, nhưng trên bình diện chung, thị trường Việt Nam vẫn rất tích cực.

Ngoài ra, với khẩu vị khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia cùng định hướng chọn lọc, ưu tiên thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao của Chính phủ Việt Nam sẽ đòi hỏi sự điều chỉnh của hành lang cơ chế, chính sách liên quan cũng như sự thích ứng của nhà đầu tư.