Xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 4 vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt

01/05/2021 06:43 congluan.vn

Theo các số liệu liên quan, Hoa Kỳ vẫn giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%; thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,1%; thị trường ASEAN đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3%; Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%; Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 57,58 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 36,6 tỷ USD, tăng 27,5%.

Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 7,33 tỷ USD, tăng 8,8%. Nhóm hàng thủy sản đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1%

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2021 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 5,1% so với tháng trước và tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả như vậy, tháng 4, ước tính nhập siêu của cả nước 1,5 tỷ USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021 xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, yếu tố quyết định đến thành tích xuất nhập khẩu trong thời điểm hiện nay chính là việc

Việt Nam duy trì thành tích chống dịch Covid- 19 rất tốt, từ đó duy trì được việc sinh hoạt, sản xuất bình thường, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển và đáp ứng được nhu cầu của các nước.

Bên cạnh đó, sự cố gắng và nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc chuyển hướng cũng như tìm kiếm phương án thay thế trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra cũng là một nhân tố quyết định thành công của hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như dệt may.

Hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã có được những đơn hàng đến hết quý II, thậm chí hết năm 2021.

Đây cũng là tín hiệu rất tốt, thể hiện năng động của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã tận dụng rất tốt các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2020, Việt Nam đã cấp hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi cho các thị trường mà ta có các Hiệp định Thương mại tự do, tăng 6% về trị giá, 9% về số lượng so với trước đây, phản ánh tính tích cực của Hiệp định Thương mại tự do này cũng như là việc doanh nghiệp của chúng ta đã tận dụng được nhiều lợi thế mà các Hiệp định mang lại.

Đồng thời, các cơ quan chức năng đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu.

Từ đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Lâm Dương