Xuất khẩu thủy sản: Dấu hiệu khởi sắc

14/03/2023 12:00 daidoanket.vn

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), mỗi năm Trung Quốc chi đến 2 tỷ USD để nhập thủy sản tươi sống nhưng Việt Nam chỉ mới cung cấp khoảng 322 triệu USD (chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu) nên dư địa sang thị trường này còn rất lớn.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ khi Trung Quốc mở cửa lại kinh tế sau Covid-19 (ngày 8/1), xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này có nhiều khởi sắc. Mới đây, khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây - Trung Quốc) hoạt động bình thường trở lại đã giúp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong tháng 2/2023 tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vasep nhận định, tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 2/2023 có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng trước, nhưng mức tăng 4% về giá trị so với cùng kỳ thì chưa cho thấy rõ nét xu hướng hồi phục.

Cụ thể, bước sang nửa đầu tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản tăng 42% so với cùng kỳ. Ước tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2 đạt khoảng 662 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu sang thị trường này bắt đầu có tín hiệu tích cực. Trong tháng 2, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng 33% lên 122 triệu USD.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Vasep cho hay, giai đoạn 2018-2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn, thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Mặc dù nhận định đây là thị trường lớn, nhiều tiềm năng xuất khẩu thủy sản song theo ông Nam, công tác xét duyệt hồ sơ cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn chậm.

Phản ánh từ cộng đồng DN xuất khẩu thủy sản cũng cho biết, họ gặp nhiều vướng mắc trong quá trình đăng ký xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc theo các quy định mới. Theo đó, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường diễn ra chậm. Mặt khác, phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của DN Việt Nam. Bản thân một số DN cũng chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn...

Theo chia sẻ của một số DN xuất khẩu tôm hùm ở Phú Yên, hiện nay họ đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu theo đường hàng không, rất tốn kém về chi phí vận chuyển, từ đó lợi nhuận thấp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tri Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, khoảng 70% sản phẩm tôm hùm của địa phương bán sang Trung Quốc. Song quả thực các DN xuất khẩu đang gặp khó về khâu vận chuyển do chi phí cao. Ông Phương đề nghị tỉnh Quảng Ninh và phía Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện để các DN vận chuyển và thông quan nhanh chóng theo đường bộ. Đối với Bộ NN&PTNT, ông Phương đề xuất sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi tôm hùm trong bể trên bờ và trên biển; xét cấp code cho “HTX dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu”, hướng dẫn các điều kiện kỹ thuật từ đầu vào đến đầu ra nhằm đảm bảo sản phẩm tôm hùm nuôi đáp ứng yêu cầu nhập khẩu phía Quảng Tây (Trung Quốc).

Theo đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), đối với các mặt hàng thủy sản, Trung Quốc sẽ cấp phép cho DN được phép xuất khẩu và danh mục thủy sản được phép xuất khẩu. Hiện có 805 DN với 128 sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến và 40 cơ sở đóng gói thủy sản tươi sống với 48 loại sản phẩm tươi sống được Trung Quốc phê duyệt.

Thời gian qua, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc thường chậm do Trung Quốc chậm phản hồi. Tuy nhiên, một phần là do các DN Việt Nam chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký theo quy định của Trung Quốc.

Cũng theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, các DN xuất khẩu thủy sản phải đăng ký gia hạn với Trung Quốc trước ngày 31/3 cần khẩn trương thực hiện theo quy định của nước này để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Bước sang nửa đầu tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản tăng 42% so với cùng kỳ. Ước tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2 đạt khoảng 662 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu sang thị trường này bắt đầu có tín hiệu tích cực. Trong tháng 2, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng 33% lên 122 triệu USD.