Xuất khẩu cà phê tận dụng cơ hội gì từ EVFTA?

12/11/2020 08:31 toquoc.vn
 

 

Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ những "ngóc ngách" của EVFTA mà các doanh nghiệp xuất khẩu có thể hưởng lợi.

Xuất khẩu cà phê liên tục giảm

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính xuất khẩu cà phê tháng 8/2020 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 197 triệu USD, giảm 0,03% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với tháng 7/2020, so với tháng 8/2019 giảm 3,6% về lượng và giảm 0,02% về trị giá. Tính chung 8 tháng năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,16 triệu tấn, trị giá 1,98 tỷ USD, cùng giảm 1,3% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng 9/2020, xuất khẩu cà phê tiếp tục giảm 0,2% về lượng, nhưng đã tăng 2% về trị giá so với tháng 8/2020; tăng 8,3% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với tháng 9/2019. Trong 9 tháng năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,25 triệu tấn, trị giá 2,16 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng cục Thống kê ước trong tháng 10/2020, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 90.000 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước xuất khẩu đạt 1,34 triệu tấn cà phê với tổng kim ngạch 2,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 1,3% về lượng và giảm 0,7% về giá trị.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 2019 giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam là 2,86 tỷ USD, 41 % trong đó xuất sang liên minh châu Âu (1,18 tỷ USD). Giá trị nhập khẩu cà phê của Việt Nam là 103,8 triệu USD cà phê, trong đó nhập khẩu từ liên minh châu Âu chỉ có 1% (1,1 triệu USD).

Tính đến hết tháng 9/2020, Việt Nam đã xuất khẩu 2,16 tỷ USD cà phê, 40% trong đó xuất sang liên minh châu Âu (870 triệu USD); và đã nhập khẩu 8,9 triệu USD cà phê (nhập khẩu từ liên minh châu Âu 60.000 USD - 1%).

Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Chánh văn phòng Vicofa, 40% cà phê Việt Nam xuất khẩu sang liên minh châu Âu là tính đến hết tháng 9. Còn tính trong 10 tháng thì tỷ lệ xuất sang liên minh châu Âu không được 40%.

Khai thác lợi thế từ EVFTA

Lý giải về xuất khẩu cà phê không tăng như kỳ vọng sau khi EVFTA có hiệu lực (1/1/2020), ông Nguyễn Viết Vinh, Chánh văn phòng Vicofa, cho rằng một trong những nguyên nhân là do sự hiểu biết để tận dụng cơ hội từ các EVFTA  của các doanh nghiệp còn đang hạn chế, nhất là những "ngóc ngách" của EVFTA.

Theo ông Vinh, EVFTA là FTA thế hệ mới, phức tạp, cam kết sâu hơn, liên quan đến kinh tế, Xuất nhập khẩu, xã hội… "Việc tuyên truyền cấp trung ương tốt, cấp địa phương hạn chế, cấp doanh nghiệp còn hạn chế nữa. Họ chưa thực sự quan tâm để tận dụng lợi thế của HIệp định…" - ông Vinh đánh giá.

Để hỗ trợ doanh nghiệp không bỏ phí những ưu đãi và cơ hội từ EVFTA, trong tháng 10 vừa qua, Vifoca đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức 2 đợt đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp ngành cà phê ca cao ( tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

Tại buổi đào tạo tại Hà Nội, bà Trịnh Thị Thu Hiền (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) đã chia sẻ rất cụ thể các cách xác định xuất xứ cũng  như các tiêu chí xác định nhóm cà phê (cà phê nguyên liệu và cà phê chế biến)

Đặc biệt, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý, EVFTA quy định về xuất xứ gồm cộng dồn xuất xứ, chia nhỏ lô hàng tại nước thứ ba, vì trong EVFTA việc cơ quan hải quan nước nhập khẩu  nhận được chứng từ hàng hóa không thay đổi, xuất xứ thông qua hải quan của nước thứ ba chứng nhận vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan.

EVFTA cũng linh hoạt về nguyên liệu không có xuất xứ, quy định về lãnh thổ xuất xứ theo EVFTA…, nên nếu doanh nghiệp tìm hiểu kỹ thì hàng hóa từ các nước thứ ba vẫn có thể được công nhận xuất xứ châu Âu. Đơn cử như vùng lãnh thổ như Andorra - nằm giữa ranh giới 2 quốc gia Pháp và Tây Ban Nha tuy không thuộc hai quốc gia này nhưng nằm trên lãnh thổ châu Âu nên xuất xứ được coi là từ châu Âu. Tương tự, San Marino không thuộc Italia nhưng nằm trên bán đảo Italia nên vẫn được coi là xuất xứ châu Âu. Trường hợp khác là 2 vùng đất ở châu Phi là Ceuta và Melilla nhưng 2 vùng này thuộc về Tây Ban Nha - một quốc gia ở châu Âu nên hàng hóa từ Ceuta và Melilla vẫn có xuất xứ châu Âu.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, để tận dụng được ưu đãi mà EVFTA mang lại, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các nước nhập khẩu và những ưu đãi họ được hưởng. Đơn cử như Thổ Nhĩ Kỳ tuy không thuộc liên minh châu Âu và hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang thẳng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được hưởng ưu đãi thuế. Nhưng giữa Việt Nam và liên minh châu Âu có hiệp định thương mại tự do, liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia liên minh hải quan nên hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang liên minh châu Âu (hạ cảng ở liên minh châu Âu) và xuất tiếp sang Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế…

Về hồ sơ thủ tục, theo cơ chế chứng nhận xuất xứ của EVFTA, nếu giá trị hàng hóa nhỏ hơn 6000 euro thì doanh nghiệp tự chứng minh xuất xứ dựa trên những chứng từ thương mại, không cần văn bản chứng nhận của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, nếu tổng giá trị hàng hóa lớn hơn 6000 euro doanh nghiệp cần mang hồ sơ đến các cơ quan đơn vị được ủy quyền để cấp giấy chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa (C/O)…

Trực tiếp trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp đại diện Bộ Công Thương và Vicofa cung cấp đầy đủ số điện thoại, địa chỉ email với cam kết sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp để cà phê Việt Nam hưởng lợi nhất từ các hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA nói riêng…

Chánh văn phòng Vicofa, ông Nguyễn Viết Vinh cho biết, cùng với việc chinh phục thị trường nước ngoài, ngành cà phê đang thực hiện đề án sản xuất cà phê bền vững theo hướng đẩy mạnh chế biến sâu (hiện 15- 16%), đẩy mạnh tiêu dùng nội địa nhằm tăng tỷ lệ tiêu dùng cà phê nội địa của Việt Nam nhất là cà phê rang xay và chế biến lên 25- 30% vào năm 2025 (hiện mới 11- 12%).