Xử lý hàng loạt công ty chứng khoán và tổ chức phát hành vi phạm

21/09/2022 05:56 daidoanket.vn

Hàng loạt công ty chứng khoán và tổ chức phát hành vi phạm về phát hành trái phiếu. Ảnh minh họa

Hàng loạt công ty chứng khoán và tổ chức phát hành vi phạm về phát hành trái phiếu. Ảnh minh họa.

Tại họp báo chiều 19/9 giới thiệu Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, Bộ Tài chính đã thông tin nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Nghị định 65/2022 được xây dựng theo nguyên tắc tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, đồng thời bổ sung các quy định để tiếp tục phát triển thị trường minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho các thành viên thị trường và khắc phục bất cập thời gian vừa qua.

Việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn.

Đáng chú ý, Nghị định mới bổ sung quy định yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Trong đó, doanh nghiệp bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, trước và sau khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành công bố.

Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Các tổ chức phân phối trái phiếu phải chịu trách nhiệm nếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành khống hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu.

Trường hợp các tổ chức này vi phạm, tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh kiểm tra, khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh với doanh nghiệp lách quy định của pháp luật để phát hành trái phiếu; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường của tổ chức trung gian như công ty chứng khoán…

Về công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm trên thị trường chứng khoán, đại diện Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 10/2021 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng cộng 30 đoàn thanh, kiểm tra đối với 21 công ty chứng khoán và 9 tổ chức phát hành.

Trong đó, có nội dung thanh, kiểm tra liên quan đến việc tuân thủ quy định tại Nghị định số 153.

Đối với 9 tổ chức phát hành gồm: 4 tổ chức phát hành không phải công ty đại chúng kiểm tra đột xuất và 5 tổ chức phát hành là công ty đại chúng thanh tra định kỳ.

Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, kết quả kiểm tra, thanh tra cho thấy có tổng cộng 8/9 tổ chức phát hành có vi phạm.

Cụ thể, hai tổ chức phát hành không phải công ty đại chúng khác là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Hồng Hoàng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển Bất động sản Seaside Homes kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Kết quả, 2 doanh nghiệp nêu trên vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định của Nghị định 153, bị xử phạt 70 triệu đồng.

Bốn tổ chức phát hành là Công ty đại chúng thanh tra định kỳ vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin gồm: Công ty Cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tân Phú Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi, Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC. Bộ Tài chính đang xem xét xử lý theo quy định.

Hai tổ chức phát hành không phải công ty đại chúng vi phạm quy định tại Luật Chứng khoán (Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group và Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không đăng ký với Ủy ban chứng khoán Nhà nước theo quy định).

Hai doanh nghiệp này bị xử phạt 600 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi trái phiếu đã phát hành, hoàn trả tiền mua trái phiếu cho nhà đầu tư.

Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến trường hợp của Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup với Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an.

Đối với 21 công ty chứng khoán (gồm 7 công ty chứng khoán kiểm tra, thanh tra định kỳ và 14 công ty chứng khoán kiểm tra, thanh tra đột xuất), có 6 công ty chứng khoán có vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Trong đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép (đã bị xử phạt 250 triệu đồng).

Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Công công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật về việc mua lại trái phiếu trước hạn (đã xử phạt 50 triệu đồng).

Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) vi phạm quy định cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp.

Ba công ty chứng khoán khác là Chứng khoán Everest, Chứng khoán KIS Việt Nam và Chứng khoán An Bình bị kiểm tra đột xuất liên quan đến vụ việc Tân Hoàng Minh cũng phát hiện các hành vi vi phạm không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được; đồng thời vi phạm các quy định về công bố thông tin.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 công ty nêu trên theo quy định.