Xem xét các cơ chế, chính sách phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí ở trong nước

16/09/2022 07:00 toquoc.vn

Sửa đổi luật rất cần thiết và quan trọng

Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi vào năm 2000 và 2008. Dự kiến Luật Dầu khí sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV vào tháng 10 tới.

Tại buổi toạ đàm Luật Dầu khí (sửa đổi) phục vụ mục tiêu phát triển diễn ra ngày 15/9, ông Trần Quang Dũng - Trưởng Ban Truyền thông và Văn hoá Doanh nghiệp - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi luật rất cần thiết và quan trọng. 

"Trong thời gian dài, đây vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế biển, đóng góp cho đất nước và bảo đảm an ninh quốc phòng. Điều quan trọng là phải rà soát hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, bảo đảm phù hợp trong cách tiếp cận và phương thức điều hành mới" - ông Dũng nêu quan điểm.

Nêu ý kiến thảo luận, ông Lê Đắc Hoá - Giám đốc dự án Lô 01, 02 (Tổng Công ty Thăm dò - Khai thác Dầu khí) cho rằng, việc sửa đổi luật nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, bảo đảm tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Theo ông Hoá, trong 5 năm qua, có những thời điểm giá dầu thế giới xuống thấp kỷ lục (Q2-2020) gây khó khăn rất lớn cho ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Trong giai đoạn thế giới rất nhiều biến động như hiện nay và những thập kỷ tới cùng với xu hướng chuyển dịch nguồn năng lượng từ hóa thạch sang “xanh” đang ngày càng hiện rõ, Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng cần cân nhắc đến các cơ chế, nguyên tắc, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư ở những thời điểm giá dầu sụt giảm, để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư cùng vượt qua khó khăn, nhằm tới mục tiêu khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí.

Ông Hoá đề xuất, quy định nguyên tắc điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp (thay đổi/giảm) khi giá dầu thô giảm đến một ngưỡng nhất định.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí

Tại buổi tọa đàm, ông Phan Minh Quốc Bình - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí nêu ý kiến, trong bối cảnh tiềm năng dầu khí ngày càng hạn chế, công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí hàng năm không đảm bảo bù cho sản lượng dầu khí khai thác. 

Trong khi đó, hầu hết các mỏ dầu khí khai thác ở trong nước đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng và dần cạn kiệt (Bạch Hổ, Lan Tây, Lan Đỏ,…).

Ông Bình cho rằng, Việt Nam cần xem xét các cơ chế, chính sách phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí ở trong nước. Điều này cần được thể hiện rõ trong các nội dung dự thảo Luật dầu khí sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Trong đó, cần tham khảo các thông lệ dầu khí quốc tế tốt tại các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Ông Hoàng Ngọc Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng cho rằng, cần xem xét sửa đổi quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật Dầu khí theo nguyên tắc mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi nhất của lĩnh vực dầu khí cũng bằng với mức thuế suất ưu đãi của các dự án thông thường khác.

Được biết, Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách về bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định về điều tra cơ bản; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; quy định công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí; quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí. Việc cập nhật tình hình thực tiễn vào dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm phù hợp với bối cảnh chung.