Xăng tăng, hàng hóa tăng theo, tiểu thương gồng mình cắt bớt lãi

19/05/2022 07:15 congluan.vn

Gạo, dầu ăn, đường, muối, tăng… chóng mặt

Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo & Công luận, tại chợ Vườn Chuối (quận 3, TP. HCM), dù đã gần 17h, các sạp hàng tại đây vẫn im lìm, thưa thớt khách, hàng hóa cũng còn khá nhiều.

 

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Sáu (45 tuổi, chủ một sạp gạo tại chợ Vườn Chuối) cho biết, 3 ngày qua, bà đã phải điều chỉnh giá gạo cho mỗi loại, tăng ít nhất là vài trăm đồng và cao nhất là 3.000 đồng/kg.

Đối với bà Sáu, may mắn sạp gạo của bà có nhiều khách quen, người mua cũng hiểu cho việc vật giá đang “leo thang” nên bà vẫn bán được. Tuy nhiên, số lượng bán ra có phần giảm hơn so với trước đây.

“Xăng lên giá là gạo cũng lên, vì tôi nhập hàng ở các tỉnh như Long An, lên đây phải tính phí vận chuyển các thứ. Do khách quen nên người ta cũng thông cảm. Nếu sau này cứ tăng mãi thì chắc chắn đời sống sẽ ảnh hưởng rất nhiều, sợ là sợ mất mối, không bán được cho ai”, bà Sáu nói.

Đồng cảm với các chủ hàng tại đây, theo chị Phương Hồng (26 tuổi), các mặt hàng tại chợ đa phần đều đồng loạt tăng giá. Như mặt hàng trái cây của chị, xoài cát Hòa Lộc nay đã lên 40.000 đồng/kg, mận loại lớn là 25.000 đồng/kg,… Trong trường hợp nguồn hàng có nhiều, giá của các loại trái cây sẽ lên ít, còn nếu thiếu hàng, giá có thể tăng rất nhiều.

“Nay xăng lên quá trời luôn, trái cây tôi bán nó cũng lên 1 tới 2 nghìn đồng, vì hàng này thuê xe tải chở lên mà. Sau này giá có lên thì mình cũng phải ‘đu’ theo nó chứ đâu thể nào bán giá cũ được. Trái cây để qua đêm là hết ngon, dùng để bán trong ngày nên lúc nào cũng phải lấy hàng mới. Vậy nên giá thay đổi mỗi ngày, mỗi tuần luôn chứ không phải mỗi tháng nữa”, chị Hồng bộc bạch.

Bên cạnh đó, bà Bảy Hiền (50 tuổi, chủ sạp tạp hóa) chia sẻ, mỗi lít dầu ăn hiện tăng 50% so với đầu năm và gấp đôi hai năm trước, lên hơn 55.000 đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, giá dầu thực vật đã được các đại lý điều chỉnh ba lần từ 32.000 đồng lên 48.000 đồng một lít. Giá bán lẻ mặt hàng này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020, lên 48.000-55.000 đồng mỗi lít.

Tương tự, dòng sản phẩm trung và cao cấp như dầu đậu nành, hướng dương, gạo lứt tăng lên 68.000-85.000 đồng một lít, tăng 90% so với cùng kỳ 2020.

“Chưa bao giờ thấy dầu ăn tăng mạnh thế này. Nhiều người mua hàng họ giật mình vì lúc trước mua có 20 mấy nghìn, nay lên hơn 40 nghìn. Có mấy người họ lắc đầu ngẩm, rồi cũng phải mua vì không mua thì lấy đâu mà dùng”, bà Hiền kể.

xang tang hang hoa tang theo tieu thuong gong minh cat bot lai hinh 1

Các mặt hàng như mì ăn liền tăng vài nghìn đồng/thùng.

Tiểu thương “bấm bụng” cắt bớt tiền lãi

Không chỉ các cửa hàng bán nguyên liệu thực phẩm cũng chịu cảnh tăng giá, nhiều chủ quán ăn, xe hàng rong cũng “đau đầu” vì phải chịu giảm bớt tiền lãi.

Theo đó, các mặt hàng như đậu, đường, nước cốt dừa,… đều tăng vài nghìn đồng.

Chị Nguyễn Thị Minh cho biết, chị đã bán ở chợ Vườn Chuối 10 năm nhưng chưa bao giờ thấy chợ ế ẩm như lúc này. Lúc trước, chị chỉ cần đến 10h là hết chè, nhưng giờ dây phải đến 15h mới bán hết được. Bởi vật giá leo thang, người dân cũng hạn chế các món ăn vặt.

Được biết, giá đậu đen bình thường 40.000 đồng/kg, nay lên 45.000 đồng/kg; đậu ván 32.000 đồng, mọi khi chỉ 28.000 đồng/kg; đường cũng tăng lên khoảng 3.000 đồng/kg…

“Giá nguyên liệu tăng nhưng tôi cũng không dám tăng theo vì sợ bán cao quá người ta lại không mua. Giờ đã ế rồi, tăng giá thì ai mua nữa. Lúc trước bán lời 350.000 đồng mỗi ngày, giờ còn có 200.000 nghìn”, bà Minh thở dài, nói.

Một quán cơm trên đường Trần Bình Trọng (quận 10) cũng chia sẻ, do xăng tăng kéo theo nhiều chi phí khác cũng tăng theo, người dân có xu hướng tự nấu ăn ở nhà để tiết kiệm chi phí, thay vì phải ăn ở ngoài.

“Trước đây khách quen chiều nào cũng mua 4 hộp cơm, giờ ‘lặn’ đâu mất. Hỏi ra mới biết giờ người ta tự nấu ăn ở nhà hết rồi. Quán tôi cũng không dám tăng giá lên cao để giữ khách, đành chọn lời ít lại chứ không thể để mất khách được”, chủ tiệm cơm nói.

Trong tình hình giá xăng có xu hướng tăng, kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, đại diện nhiều siêu thị như MM Mega Market, Emart, Lotte Mart...  cho biết, họ phải làm việc với nhà cung cấp thường xuyên hơn để đảm bảo giữ được giá bán bình ổn, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu.

Dù việc điều chỉnh giá phải theo quy trình, thời hạn, nhưng trong hợp đồng thì nhà cung cấp có quyền điều chỉnh giá bán nếu giá thành sản xuất gia tăng.