Xăng tăng giá, các mặt hàng thực phẩm biến động do miền Bắc rét đậm

26/02/2022 06:41 congluan.vn

Theo ghi nhận của PV, tại nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội, các loại rau xanh tăng giá mạnh như bắp cải tăng giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg lên 15.000 - 20.000 đồng/kg, rau cải xanh 30.000 đồng/bó, súp lơ xanh 50.000 đồng/kg; cải thảo 35.000 đồng/ 1 cây; các loại rau mùi như hành, ngò, rau thơm tăng cao, khoảng 50.000 đồng/kg...

Đáng chú ý, các mặt hàng gia vị như gừng, chanh, sả, lá tía tô… tăng mạnh do tâm lý mọi người mua nhiều để xông phòng tránh COVID-19. 

Chị Hoàng Thị Thu H ở Văn Khê - Hà Đông chia sẻ: "Mấy ngày nay đúng là rau xanh đắt hơn thịt cá. Giá cả tăng mạnh những vẫn phải mua vì bữa cơm không thể thiếu rau được."

Trên thực tế, giá rau xanh phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, giá rau sẽ ổn định và nhiều lúc sẽ khá rẻ. Song nếu rét đậm, rét hại, giá rau sẽ tăng “nhiệt” từng ngày.

Không chỉ mặt hàng rau, giá thịt lợn, cá, tôm tại chợ dân sinh cũng tăng nhẹ. Giá thịt nạc vai lên tới 150.000 đồng/kg, thịt sấn cũng ở mức 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước. Giá thịt bò cũng ở mức cao từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, tùy loại. Giá gà ta cũng tăng nhẹ, gà thịt sẵn bán ra ở mức 170.000 - 190.000 đồng/kg còn gà nguyên lông thì dao động từ 150.000- 170.000 đồng/kg. 

Cùng diễn biến tăng theo giá thực phẩm, rau xanh, giá xăng dầu liên tiếp tăng trong thời gian qua, lập “đỉnh” mới từ năm 2014 đến nay khiến giá cả một số dịch vụ vận tải cũng rục rịch tăng. Đáng lo nhất, xăng dầu là mặt hàng đầu vào của nền kinh tế, trước hết là giá dịch vụ vận tải sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Giá xăng dầu còn tác động vào vòng 2 đó là các ngành sản xuất có sử dụng xăng dầu, như: khai thác than, khai thác dầu, hoặc sử dụng nhiều trong sản xuất các mặt hàng chịu sự ảnh hưởng của giá xăng dầu.

Về giá cả hàng hóa nói chung, theo nhận định của Bộ Tài chính, thời điểm sau Tết Nguyên đán, dự báo nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Đối với mặt hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước rất dồi dào, phong phú, chất lượng ổn định.

Nguồn cung trong nước hiện rất dồi dào. Lượng thủy sản tháng 1/2022 ước đạt 589,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò tăng khoảng 0,9%; tổng đàn lợn tăng 1,8% (đạt trên 28 triệu con); tổng đàn gia cầm tăng khoảng 1,9%...

Thông tin từ Bộ này cho biết, các nguồn cung về thịt gia súc, gia cầm các loại, mặt hàng thủy, hải sản, số lượng trứng, sữa, trái cây… đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nên không có sự thiếu hụt.